Thông báo:

Nỗi lo nước uống đóng bình

Ngày đăng: 13/09/2019, số lượt xem: 340
Nước đóng bình hiện đang được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt hàng ngày của người dân khắp các vùng miền trong tỉnh. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại nước đóng bình khác nhau, chủ yếu đến từ các cơ sở tư nhân khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt được sản phẩm có đảm bảo chất lượng và ATVSTP

     Đứng trước nhu cầu tiêu dùng nước sạch ngày càng lớn, các cơ sở sản xuất nước sạch mọc lên càng nhiều với các nhãn mác khác nhau. Qua tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều loại nước đóng bình được bán buôn với giá 12.000-15.000 đồng/bình 20 lít; riêng nước đóng chai giá từ 2.500 đến 5.000 đồng/1 chai 500 ml. Từ đô thị đến vùng nông thôn, nước uống đóng chai, đóng bình được nhiều người sử dụng và được bày bán nhan nhản tại các cửa hàng tạp hóa được gắn số điện thoại liên hệ. Nhiều gia đình, cơ quan khi cần liên hệ trực tiếp điện thoại của các đại lý phân phốilà được cung cấp hàng đến tận nơi. Chị Nguyễn Thu Thủy (Đồng Tâm - Vĩnh Yên) chia sẻ: "Gần nhà có điểm phân phối nước đóng bình. Nên khi cần, tôi gọi điện thoại là có người mang tới giao hàng rất nhanh chóng. Tôi cũng băn khoăn về chất lượng nước. Bởi nhiều khi mua về có một số bình sử dụng gần hết thấy có lắng cặn. Tuy nhiên, do dùng nước đóng bình rất tiện lợi, đỡ mất công đun sôi, mỗi tháng dùng thoải mái cũng chỉ hết vài ba bình, bởi vậy nhà tôi vẫn dùng thường xuyên. Hiện có nhiều cơ sở sản xuất nước đóng bình mới ra đời đòi hỏi người dùng phải cẩn thận hơn khi lựa chọn”. Bà Nguyễn Thị Tâm, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) cho biết: "Trung bình mỗi tháng cửa hàng bán hơn 200 bình nước lọc loại 20 lít với giá 15.000 đồng/bình. Đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên của Trường Đại học Giao thông Vận tải, các quán ăn, giải khát quanh Bệnh viện đa khoa tỉnh. Chủ đại lý tự vận chuyển nước bằng ôtô đến giao bán tại cửa hàng khi có nhu cầu với giá mua vào dưới 12.000 đồng/bình”.

     Nước uống tinh khiết đóng bình đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Với sự phát triển nhanh, hàng loạt cơ sở nước đóng bình nhỏ lẻ ra đời khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm. Theo thống kê của Chi cục ATVSTP tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 80 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, nước đá viên. Hầu hết các cơ sở đều có đủ các điều kiện như: Đăng ký kinh doanh, sản phẩm được thử nghiệm và nguồn nước (có thể là khai thác mạch nước ngầm, có thể nước máy) bảo đảm yêu cầu. Trước khi đóng chai, đóng bình, nước phải xử lý đạt các quy chuẩn về lý, hóa, sinh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, đăng ký nhãn hiệu,... Nhà xưởng, thiết bị sản xuất bảo đảm các điều kiện, quy chuẩn quy định, không gỉ sét; các khu sản xuất như: Khu rửa chai, rửa bình, khu lọc thô, lọc tinh, khu chiết rót phải kín đáo, được khử trùng, không bị nhiễm chất độc, nhiễm khuẩn; chai, bình phải được công bố hợp quy; bồn chứa phải bằng inox;... Công nhân làm việc ở cơ sở phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở đều phát triển theo mô hình hộ gia đình, hầu như không có doanh nghiệp, nhà máy nào sản xuất nên việc áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất đang còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn có các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình chưa đăng ký cấp phép kinh doanh. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về ATVSTP dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo và tiềm ẩn các nguy cơ ngộ độc cao.

     Giữa tháng 9/2017, sau khi uống nước tinh khiết đóng bình có nhãn hiệu Family tại lớp học, 24 học sinh Trường Tiểu học Đồng Tĩnh A (Tam Dương) có biểu hiện đau bụng, nôn phải đưa vào Trung tâm y tế huyện Tam Dương theo dõi, điều trị. Sau khi nhận được thông tin, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước uống, tiến hành phân tích, xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 2 mẫu nước uống đóng bình tại trường tiểu học Đồng Tĩnh A có các vi khuẩn Ps.Aeruginosa, Colifoms vượt quá giới hạn cho phép; 2 mẫu nước lấy tại cơ sở sản xuất (doanh nghiệp tư nhân Châu Dung, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch) cũng có vi khuẩn Colifoms và Sulfit vượt quá giới hạn cho phép… Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, doanh nghiệp Châu Dung đã bị xử phạt 16 triệu đồng, tạm dừng mọi hoạt động sản xuất để khắc phục tồn tại.

     Đó là một ví dụ rất điển hình cho tình trạng đáng báo động về chất lượng và những nguy cơ tiềm ẩn của một số loại nước đóng chai, đóng bình đối với người tiêu dùng. Trên thực tế, nước sạch và nước không đảm bảo chất lượng ATVSTP rất khó có thể phân biệt được bằng mắt thường. Nếu nhìn qua,đều rất tinh khiết, không màu, không mùi như nhau. Chính vì vậy, rất nhiều người không biết rằng họ đang sử dụng sản phẩn nước đóng bình bẩn, có khả năng gây bệnh mà không thể biết. Quy trình sản xuất nước đóng bình đảm bảo chất lượng cần phải qua các bước: Nước thô phải lấy từ nguồn an toàn, được lọc qua bể lắng cát sỏi rồi qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật, sau đó qua hệ thống đóng chai trong môi trường vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật. Do quy trình sản xuất nước bình tiệt trùng được kiểm duyệt gắt gao nên giá thành thường cao hơn. Các loại nước bình 19 – 20 lít đạt tiêu chuẩn trên thị trường hiện nay có giá từ 35 – 40.000 đồng/bình. Giá rẻ nên những loại nước bình “mập mờ” chất lượng, không được kiểm định vẫn được bán tràn lan trên thị trường, phổ biến tại các hàng quán, công xưởng, các hộ gia đình. Anh Nguyễn Văn Long (Liên Bảo - Vĩnh Yên) chia sẻ: "Gia đình tôi chỉ uống nước bình của các thương hiệu lớn. Giá tuy cao gấp 3 lần so với các loại nước bình trên thị trường nhưng đảm bảo hơn hẳn, vỏ bình sạch sẽ. “Trước đây gia đình tôi cũng thường mua nước bình 20 lít về sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng có lần xé vỏ nilong bọc bên ngoài thì thấy vỏ bình trầy xước rất nhiều, cáu bẩn, họ phủ nilon bên ngoài để che đi, nhìn như vậy làm sao chất lượng nước đảm bảo được, từ đấy tôi bỏ hẳn mua nước giá rẻ”

     Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai đồng loạt các hoạt động thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, lấy mẫu, kiểm tra chất lượng ATVSTP nước đóng chai, đóng bình trên phạm vi toàn tỉnh, kiên quyết xử lý nếu phát hiện các hành vi vi phạmchất lượng. Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, mặc dù số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng bình thành lập mới và đi vào hoạt động khá nhiều (nhất là các cơ sở vừa và nhỏ) song việc quản lý lại rất khó khăn bởi nhiều cơ sở không thực hiện báo cáo với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên trách kiểm tra mỏng dẫn đến những kẽ hở để nước uống đóng bình không đảm bảo chất lượng trôi nổi ngoài thị trường.

     Để thị trường nước uống đóng chai, đóng bình đảm chất lương theo quy định, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng cần có cả sự thông thái của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

                                                                                 Trích nguồn Thiệu Vũ – Báo Vĩnh Phúc