Thông báo:

CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ BẢO LÃNH TÍN DỤNG TỈNH

Ngày đăng: 19/10/2022, số lượt xem: 201

                                                                                                Văn Đức Sơn

                                                            Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh

     Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành lập theo Quyết định số 1368/QĐ-UBND của UBND tỉnh trong điều kiện vô cùng khó khăn: Nơi làm việc tại trụ sở Trung tâm đấu giá tài sản của Sở Tài chính; vốn điều lệ thấp (30 tỷ đồng); bộ máy quản lý chủ chốt kiêm nhiệm. Bộ máy điều hành chủ yếu từ cơ quan hành chính nhà nước sang, nhân viên, cán bộ nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng ít. Song, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự cố gắng của tập thể, trong 3 năm, Quỹ đã có trụ sở riêng; bộ máy điều hành được tăng cường (từ 11 lên hơn 20 người), trong đó coi trọng tuyển dụng người có nghiệp vụ chuyên môn. Kết quả nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2008 có 29 khoản bảo lãnh, doanh số bảo lãnh 49,9 tỷ đồng; năm 2009 có 70 khoản bảo lãnh, doanh số bảo lãnh 252 tỷ đồng; năm 2010 có 82 khoản bảo lãnh, doanh số bảo lãnh 470 tỷ đồng; năm 2011 có 85 khoản bảo lãnh, doanh số bảo lãnh 577 tỷ đồng; năm 2012 có 58 khoản bảo lãnh, doanh số bảo lãnh 616 tỷ đồng.

     Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn được Quỹ bảo lãnh tín dụng đã phát huy hiệu quả, nay trở thành những doanh nghiệp lớn trên địa bàn như: Cosmos, Kết Hiền, Trường Biện… Đa số các doanh nghiệp đã sử dụng vốn có hiệu quả, tạo được việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đã được nhiều tỉnh, thành đến học tập như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Giang, Yên Bái…

     Sau 5 năm hoạt động với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng, Quỹ đã nâng lên được số vốn chủ sở hữu là 93 tỷ đồng, trong đó vốn hình thành từ chênh lệch thu, chi là 23 tỷ đồng.

     Năm 2012, HĐND tỉnh ra nghị quyết thành lập Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó, 100 tỷ đồng cho Quỹ bảo lãnh tín dụng. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2728/QĐ-UBND về thành lập Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng, trong đó, xác định khi thành lập ngân sách tỉnh đảm bảo vốn thành lập Quỹ trong năm 2012 là 133 tỷ đồng, trong đó, hoạt động bảo lãnh tín dụng là 33 tỷ đồng và hoạt động đầu tư là 100 tỷ đồng.

     Những năm đầu thành lập, Quỹ đối mặt với nhiều khó khăn: Những hạn chế trong hoạt động bảo lãnh sau 5 năm bộc lộ (doanh nghiệp hoạt động khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế không trả được nợ và Quỹ phải trả nợ thay); một số văn bản cụ thể hóa của Quỹ chưa ban hành kịp; vốn điều lệ quá nhỏ... nên hoạt động bảo lãnh tín dụng cầm chừng; hoạt động đầu tư đã mạnh dạn triển khai cho vay đầu tư theo hướng kêu gọi, chuẩn bị khi đủ điều kiện sẽ thực hiện. Vì vậy, kết quả hoạt động 2 năm đầu thành lập còn hạn chế.

     Năm 2013, hoạt động bảo lãnh được 39 món, số dư 23,9 tỷ đồng; dư nợ cho vay đầu tư 23 tỷ đồng; chênh lệch thu, chi 476 triệu đồng. Năm 2014, hoạt động bảo lãnh được 26 món, số dư 7,9 tỷ đồng; dư nợ cho vay đầu tư 44 tỷ đồng; chênh lệch thu, chi 292 triệu đồng.

     Đến năm 2015, tỉnh kiện toàn bộ máy từ Hội đồng quản lý 5 thành viên: Chủ tịch Hội đồng quản lý là Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó Chủ tịch là Giám đốc Quỹ, các thành viên là lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc; Ban kiểm soát gồm 3 thành viên: Trưởng ban chuyên trách, các thành viên là chuyên viên Sở Tài Chính, Ngân hàng nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ được cụ thể hóa thành các văn bản nên Quỹ đã triển khai được một số hoạt động tốt hơn trước. Cụ thể, về hoạt động cho vay: năm 2015, dư nợ là 61,9 tỷ đồng (tăng 40 % so với năm 2014); năm 2016, dư nợ là 67,4 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2015); năm 2017, dư nợ là 57,6 tỷ đồng; năm 2018, dư nợ là 53 tỷ đồng.

     Về hoạt động đầu tư trực tiếp, năm 2016, Quỹ hợp tác với 1 doanh nghiệp để thực hiện dự án nước uống học đường. Đến nay, dự án bước đầu đã thu hồi được vốn theo tiến độ, giúp giáo viên, học sinh 3 trường điểm có công trình phục vụ nước uống học đường hiệu quả. Trên cơ sở đó, dự án đã được nhân rộng ra trên 20 trường trong toàn tỉnh...

     Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP và Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Đề án và Nghị quyết của tỉnh về sắp xếp, tổ chức lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng luôn chủ động và tích cực triển khai như: Tham gia xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, tham mưu thực hiện Nghị định của Chính phủ bằng việc chủ động soạn thảo hệ thống các văn bản theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong thời gian chưa quyết định, tập thể Quỹ thống nhất lựa chọn phương án linh hoạt, thí điểm thực hiện chức năng nhiệm vụ trong điều kiện mới để sử dụng vốn vì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

     Cụ thể: Quỹ Bảo lãnh tín dụng sau 5 năm chỉ tập trung thu hồi nợ đã khởi động lại hoạt động theo hướng hợp tác tổ chức tín dụng ưu tiên hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Quỹ gửi tiền nhàn rỗi vào tổ chức tín dụng cho vay thông qua bảo lãnh; doanh nghiệp vay với lãi suất cộng phí bảo lãnh bằng với lãi suất doanh nghiệp vay không bảo lãnh. Hồ sơ thủ tục thuận lợi như vay không bảo lãnh. Nhận thế chấp tài sản đảm bảo, bảo lãnh tối đa bằng 100% giá trị tài sản đảm bảo. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng, Quỹ trả nợ thay và nhận trách nhiệm thu hồi nợ. Quỹ đặt mục tiêu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1-3 doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực vay vốn bằng hình thức bảo lãnh để lan tỏa tới các doanh nghiệp trên khắp địa phương cấp huyện. Với việc tích cực tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử; phương tiện truyền thông địa phương nên hoạt động bảo lãnh tín dụng đã có bước khởi sắc. Năm 2019, có 4 lượt doanh nghiệp được cấp bảo lãnh và vay tổ chức tín dụng với số tiền 6,7 tỷ đồng; năm 2020 có 13 lượt khách hàng với doanh số là 20 tỷ đồng; năm 2021 có 24 lượt khách hàng với doanh số 21 tỷ đồng; năm 2022 có hơn 20 lượt khách hàng với doanh số 70 tỷ đồng. 4 năm qua, Quỹ phải trả nợ thay, song bằng kinh nghiệm trong thời hạn nợ vay bắt buộc, doanh nghiệp đã hoàn trả theo kế hoạch.

     Trong hoạt động cho vay, đầu tư, Quỹ đã đưa ra nhiều giải pháp để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến hợp tác và sử dụng vốn bằng việc: Giao chỉ tiêu kế hoạch mỗi cán bộ, nhân viên hướng về cơ sở giới thiệu ít nhất 1 doanh nghiệp đến với Quỹ; phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, tổng hợp các dự án, chủ đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của tỉnh để liên hệ, kêu gọi; tổ chức hội nghị khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn của Quỹ để làm rõ khó khăn, vướng mắc và xây dựng kế hoạch, cam kết sử dụng vốn; phân công cụ thể cán bộ, nhân viên theo dõi, giám sát và tìm kiếm khách hàng; Ban điều hành phối hợp chặt chẽ với Ban kiểm soát ngay từ khâu đầu quy trình tìm kiếm khách hàng đến thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Vì vậy, 4 năm qua, hoạt động cho vay, đầu tư đã có bước tiến rõ rệt. Trước năm 2018, bình quân 5 năm dư nợ cho vay là 50 tỷ đồng, đến năm 2019 là 88,7 tỷ đồng, năm 2020 là 146,2 tỷ đồng, năm 2021 là 146,4 tỷ đồng. Nợ xấu năm 2018 là 12,181 tỷ đồng, năm 2019 là 7,95 tỷ đồng, năm 2020 là 7,42 tỷ đồng. Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn Quỹ Đầu tư phát triển đã được Quỹ triển khai thực hiện ít nhất có một doanh nghiệp ở một lĩnh vực sử dụng vốn và thực hiện đến nay cơ bản đúng cam kết...

     Trong 5 nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển (đầu tư trực tiếp, cho vay, huy động vốn, ủy thác, nhận ủy thác), trước năm 2018 chỉ thực hiện được 2 nhiệm vụ là đầu tư và cho vay đầu tư. Trong 4 năm qua, Quỹ đã triển khai nhiệm vụ huy động vốn để cho vay đầu tư nhà ở xã hội và đến nay đã được doanh nghiệp hoàn trả vốn huy động trước hạn.

     Về đầu tư trực tiếp, trong nhiệm kỳ 2020-2026, Quỹ đã tích cực phối hợp với các chủ đầu tư dự án và đã có 3 nhà đầu tư cam kết với Quỹ, tuy nhiên, do dịch Covid-19, thủ tục hồ sơ bị chậm nên kế hoạch triển khai bị chậm; đã có huyện Sông Lô ủng hộ Quỹ để Quỹ thực hiện các thủ tục chuẩn bị cho đầu tư xây dưng chợ trung tâm huyện.

    Về thu hồi nợ, 4 năm qua đã thu hồi được 13 tỷ đồng nợ vay bắt buộc thông qua bảo lãnh. Nợ quá hạn cho vay đầu tư từ năm 2018 đến nay thu được 15,999 tỷ đồng, giảm được 6 doanh nghiệp nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 23,05% năm 2018 xuống còn 7,89% năm 2021.

    Các tổ chức chính trị thuộc Quỹ luôn được các tổ chức cấp trên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nên Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên được hình thành, phát triển và kiện toàn kịp thời. Chi bộ Quỹ tăng cường cả số lượng và chất lượng.

    Có thể khẳng định, sự ra đời của Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc là chủ trương đúng đắn. Quỹ đã có những đóng góp cho việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn; có những tổ chức, cá nhân trong bộ máy Quỹ được cấp trên đánh giá và ghi nhận. Quỹ đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, đạt tập thể lao động xuất sắc...

    Vốn điều lệ Quỹ từ 150 tỷ đồng năm 2018 đến nay lên 450 tỷ đồng; chênh lệch thu, chi từ việc thiếu nguồn để trích lập dự phòng, bổ sung vốn chủ sở hữu thấp, bình quân 10 năm trước là 2,2 tỷ đồng, đến nay tăng lên 13 tỷ đồng.

    Với những kết quả đạt được, tin rằng, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng sẽ có bước tiến mới và đạt được mục tiêu trở thành Quỹ phồn thịnh và phát triển trong thời gian tới.

                                                                                          v.đ.s