Thông báo:

PHÁT HUY VAI TRÒ QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG

Ngày đăng: 12/07/2019, số lượt xem: 5866
Quỹ đầu tư phát triển địa phương (QĐTPTĐP) là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện cho vay và đầu tư trực tiếp vào các dự án hạ tầng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thông qua các hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp, quỹ đã thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân cùng cho vay và đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách địa phương trong đầu tư công đối với các dự án như: Hạ tầng giao thông, xử lý môi trường, cấp thoát nước, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, phát triển đô thị, giáo dục, y tế,…bước đầu góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cân bằng và bền vững của địa phương
Toàn cảnh số phương tiện xe buýt được đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ đã đưa vào hoạt động từ ngày 01/7/2019

     Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc (Quỹ) kể từ khi thành lập đến nay với số vốn được UBND tỉnh cấp 200 tỷ đồng; Trong đó vốn dành cho hoạt động đầu tư là 180 tỷ đồng, vốn dành cho hoạt động bảo lãnh là 20 tỷ đồng (còn thiếu 80 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ- CP của Chính phủ về hoạt động bảo lãnh). Quỹ đã thực hiện các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, trong đó chủ yếu là cho vay đầu tư. Đến nay, Quỹ đã thực hiện cho vay đầu tư đối với trên 60 dự án ưu tiên phát triển của tỉnh, với tổng số tiền giải ngân là 208 tỷ đồng, đã thu hồi nợ gốc vay số tiền 131.9 tỷ đồng, hiện còn dư nợ cho vay đối với 25 dự án là 76,1 tỷ đồng. Các dự án đầu tư vay vốn thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay giai đoạn 2018-2021. Doanh nghiệp được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Ngoài các hoạt động chính là cho vay, đầu tư, Quỹ đã thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn và hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

     Để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo an toàn giao thông, năm 2019 được Hội đồng quản lý đồng ý Quỹ đã xem xét cho vay dự án đầu tư hệ thống phương tiện vận tải công cộng từ nguồn vốn của Quỹ để Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đầu tư mua 28 xe buýt chất lượng cao chạy 03 tuyến xe buýt: Vĩnh Yên - Cao Đại; Vĩnh Yên - Vĩnh Thịnh; Vĩnh Yên - Vĩnh Tường (trong đó có 20 xe là nguồn vốn của Quỹ đầu tư), hệ thống xe buýt đã đưa vào hoạt động, phục vụ hành khách từ ngày 1/7/2019. Nguồn vốn này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, bởi mức lãi suất hợp lý, thời hạn cho vay dài. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phương tiện chất lượng cao phục vụ người dân tốt hơn. Tới đây Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đang có nhu cầu vay vốn 40 tỷ đồng của Quỹ để tiếp tục đầu tư 02 tuyến xe buýt. Việc mở thêm tuyến xe buýt không chỉ tăng việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa thiết thực đối với người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

     Tuy đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua, nhưng trong thực tế triển khai việc thực hiện chính sách pháp luật về hoạt động cho vay đầu tư của Quỹ còn có những khó khăn, đó là: Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước của tỉnh, hoạt động theo mô hình Ngân hàng chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, do vậy việc thực hiện cho vay phải bảo đảm nghiêm ngặt các quy định, tránh thất thoát vốn và tài sản của nhà nước. Các doanh nghiệp và dự án vay vốn phải đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Thủ tục vay vốn của Quỹ đòi hỏi rất chặt chẽ, đối tượng cho vay hạn chế ở lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội nên ít khách hàng và khó cạnh tranh với hệ thống Ngân hàng thương mại. Trong khi đó chế tài về xử lý thu nợ của Quỹ chưa đủ mạnh như các Ngân hàng thương mại. Việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ theo quy định còn một số nội dung còn vướng mắc, tài sản bảo đảm tiền vay chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay và có tính thanh khoản thấp. 

Xe buýt mở rộng, thoáng mát và có những ghế ưu tiên

(Dự án được triển khai từ nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển và BLTD tỉnh Vĩnh Phúc)

     Ngoài ra, nguồn vốn của Quỹ còn hạn chế nên việc ban hành các chính sách về cho vay đầu tư để áp dụng chung cho địa phương đối với từng lĩnh vực và đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét thẩm duyệt cho vay. Nếu cho vay được hết các đối tượng thì không đủ vốn mà phải lựa chọn cũng khá phức tạp, khó tránh khỏi sự phản ánh của doanh nghiệp là thiên vị, thiếu sự công bằng trong xem xét cho vay. Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, chưa có hướng dẫn cụ thể rõ ràng trong khi mục tiêu không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn vốn vẫn là quan trọng nhất nên chưa khuyến khích phát huy, khai thác hết vai trò và tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ.

     Về hoạt động cho vay chưa có quy định cụ thể áp dụng chung cho các Quỹ dẫn đến việc xây dựng Quy chế cho vay của mỗi địa phương có khác nhau, ngoài căn cứ vào quy định của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP thì các Quỹ địa phương tự tìm hiểu, học hỏi lẫn nhau. Việc thực hiện mỗi địa phương có sự vận dụng để phù hợp với điều kiện của mình. Về vấn đề huy động vốn, do cho vay lãi suất ưu đãi thấp nên buộc phải huy động thấp và chỉ được huy động trung và dài hạn khó cạnh tranh được với các Ngân hàng thương mại, nên không thu hút nguồn, còn với các tổ chức tài chính quốc tế thì khó đáp ứng được các điều kiện của họ.

     Trong thời gian tới, phòng Kế hoạch tổng hợp và đầu tư tham mưu cho Ban Giám đốc để tập trung cho vay đầu tư các dự án như: Dự án đầu tư mở rộng cơ sở khám chữa bệnh và mua sắm máy móc trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh Dự kiến vay vốn của Quỹ 22 tỷ đồng; Dự án xây dựng hạ tầng bãi đỗ xe phục vụ khu lễ Hội Tây Thiên dự kiến vay Quỹ 20 tỷ đồng; Dự án cải tạo nhà máy và mở rộng mạng lưới cấp nước xã Bá Hiến huyện Bình Xuyên dự kiến vay Quỹ 10 tỷ đồng; Dự án đầu tư khu xử lý phế thải dự kiến vay Quỹ 10 tỷ đồng; Dự án tổ hợp kinh doanh khách sạn, siêu thị và văn phòng dự kiến vay Quỹ 10 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trại gà Tam Đảo dự kiến vay Quỹ 10 tỷ đồng; Dự án xây dựng trạm cung cấp xăng dầu, bến bãi phục vụ vận tải hành khách công cộng dự kiến vay Quỹ 10 tỷ đồng; Dự án nhà ở xã hội: Tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, nhu cầu vay Quỹ 160 tỷ đồng; Dự án hợp tác đầu tư xây dựng căn hộ chung cư Khu đô thị Hùng Vương Phúc Yên nhu cầu 60 tỷ đồng; Dự án cấp nước cho khu đào tạo vận động viên thể thao giai đoạn 1+2 và Trường chuyên Vĩnh Phúc nhu cầu 20 tỷ đồng, ; Dự án Khu nhà ở công nhân xã Bá Thiện huyện Bình Xuyên, tổng mức đầu tư là 4.323 tỷ đồng, nhu cầu vay Quỹ 200 tỷ đồng. 

     Các dự án đầu tư trên đúng đối tượng, có nhu cầu vay vốn tại Quỹ với tổng số tiền là 572 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 07/2019 Quỹ sẽ giải ngân số tiền là 50 tỷ đồng, và trong tháng 08/2019 Quỹ sẽ tiếp tục giải ngân số tiền là 69 tỷ đồng. Như vậy vốn dành cho hoạt động đầu tư của Quỹ sẽ thiếu 10 tỷ đồng. Để phục vụ được nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Quỹ đề nghị UBND tỉnh cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ với số tiền khoảng 580 tỷ đồng (trong đó có 80 tỷ dành cho hoạt động bảo lãnh tín dụng) để Quỹ hoạt động có hiệu quả.

     Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động, từng bước phát huy hiệu quả vai trò của Quỹ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền:

   1. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời và sửa đổi Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ ĐTPTĐP cho phù hợp, có các biểu mẫu cụ thể đính kèm; quy định và hướng dẫn cách tính toán mức lãi suất cho vay tối thiểu để các Quỹ thống nhất thực hiện. Tăng mức vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ ĐTPTĐP nhằm nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu các mặt hoạt động trong thời kỳ mới. Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động tín dụng; Hỗ trợ đào tạo cán bộ chuyên môn về công tác tín dụng. Ban hành các văn bản hướng dẫn về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay của Quỹ đầu tư phát triển; quy định và hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với các quy định pháp luật trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ tiền vay trong hệ thống Quỹ. Đồng thời tăng thẩm quyền xử lý rủi ro cho Quỹ.

     2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Quỹ trong việc thẩm định, quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư trước khi phê duyệt, tăng thẩm quyền cho Quỹ trong việc xem xét quyết định cho vay và xử lý thu hồi nợ, xử lý rủi ro. Đồng thời hiện Đề án số: 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc liên quan đến sắp xếp các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách và sớm kiện toàn ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động cho Quỹ nhằm đáp ứng yêu cầu, nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của cán bộ.

                                                                                                                         Nguyễn Ngọc Tuấn

                                                                                                                     Phòng KHTH và Đầu tư