Thông báo:

Giải pháp đẩy nhanh thu hồi nợ vay bắt buộc, nợ quá hạn, nợ xấu trong hoạt động của đầu tư và bảo lãnh tín dụng

Ngày đăng: 19/11/2020, số lượt xem: 1663

     Đặc thù của hoạt động, tiểm ẩn nhiều rủi ro, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp. Hoạt động cho vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng của Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc (Quỹ) thời gian qua, từ khi thành lập 2012 đến nay đã đạt được những kết quả không nhỏ, đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký, sử dụng vốn, bảo lãnh tín dụng góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng kinh doanh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo niềm tin vào các chính sách hỗ trợ của chính quyền đối với doanh nghiệp. Các dự án vay vốn tại Quỹ đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho người lao động, có đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương. Bước đầu mang lại nguồn thu phục vụ hoạt động của Quỹ.

     Nhìn chung, Quỹ cơ bản tuân thủ quy định của nhà nước, các quy chế, quy trình trong hoạt động rất thận trọng để giảm thiểu các thiệt hại phát sinh từ rủi ro tín dụng. Bên cạnh kết quả đạt được thì phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu là không tránh khỏi. Cụ thể:

     Đối với hoạt động đầu tư: Số khách hàng quá hạn từ 2012 đến cuối năm 2018 có 08 khách hàng; tổng dư nợ quá hạn trên 12 tỷ đồng; đến tháng 10/2020 đã thu hồi được gần 06 tỷ đồng giảm 46,3% so với năm 2018; Tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2018 là 23%/tổng dư nợ, đến thời điểm hiện nay là 5,1%/ tổng dư nợ; tức giảm 17,9% so với cuối năm 2018.

     Đối với hoạt động bảo lãnh: Số khách hàng có nợ vay bắt buộc tại Quỹ đến nay là 09 khách hàng với số nợ đến tháng 10 như sau: nợ gốc nợ vay bắt buộc là 16,214,663,484 đồng, nợ lãi vay bắt buộc nhiều năm nay chưa thu được với số tiền phải thu lớn.

Ban Giám đốc cùng cán bộ phòng BLTD Quỹ đi thị sát tại Công ty TNHH Hải Nam

     Đạt được kết quả trên, Quỹ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc kiềm chế và xử lý thu hồi nợ xấu như: Tập trung quyết liệt đôn đốc, thu hồi nợ; phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách, chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện thu hồi nợ theo đúng lĩnh vực, gắn với trách nhiệm của phòng và cá nhân phụ trách; trách nhiệm của cán bộ, nhân viên cho vay, bảo lãnh với cán bộ nhân viên đang theo dõi từng khoản nợ tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ để có những giải pháp thu hồi nợ cụ thể. Thực hiện cơ cấu lại nợ đối với những khách hàng có khả năng phục hồi và phát triển ổn định lâu dài nhưng gặp khó khăn tạm thời. Bám sát khách hàng, đặc biệt là các khoản vay đã cơ cấu để đôn đốc thu nợ nhằm giảm dần nợ xấu và xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền giảm lãi hợp lý để khách hàng giảm bớt khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu trả nợ quá hạn cho Quỹ.

     Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trên cho thấy Ban Giám đốc, phòng KHTH&ĐT, phòng Bảo lãnh tín dụng đã có nhiều nỗ lực trong xử lý nợ xấu và việc xử lý nợ xấu ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Song công tác xử lý nợ xấu chưa đạt như kỳ vọng, thời gian thu hồi nợ còn kéo dài, còn có những khó khăn, vướng mắc, có khách hàng còn chây ì, không thực hiện đúng cam kết trả nợ; một số khách hàng đã khởi kiện có quyết định của Tòa án nhưng không thi hành án bắt buộc được do tài sản thế chấp là quyền đòi nợ...

     Để giảm nợ xấu, nợ quá hạn, yêu cầu đặt ra là công tác thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu cần được quản lý, kiểm soát một cách bài bản và có hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng hoạt động trong phạm vi rủi ro chấp nhận được, hỗ trợ việc quản lý, sử dụng vốn hiệu quả hơn, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh từ rủi ro tín dụng, việc tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi nợ xấu trong hoạt động cho vay của Quỹ là cần thiết.

     Để giải quyết và thu hồi nợ xấu có hiệu quả ngoài đã và đang thực hiện việc tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như: Đôn đốc thu hồi nợ, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh, miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật; cần có tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm hoạt động để thu hồi vốn vì thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn là công việc khó và “nhạy cảm”, đòi hỏi người thu nợ ngoài việc nắm rất rõ về tính chất pháp lý của hồ sơ, còn phải có nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng xử lý trong từng trường hợp, đối với từng khoản nợ cụ thể, thực tế các tổ chức tín dụng khi có nợ xấu hầu như thành lập tổ thu nợ và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy cần thành lập Tổ xử lý và thu hồi nợ nợ xấu, nợ quá hạn để tiến hành các biện pháp thu hồi nợ theo qui định.

     Thành lập Tổ xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu sẽ giải quyết được vấn đề sau:

     - Chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa công tác thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn trong hoạt động, việc thực hiện công tác thu nợ sẽ khoa học hơn, từng bước giải quyết và thu hồi nợ xấu một cách dứt điểm, sâu sát trong quản lý khách hàng nợ xấu, qua kiểm tra, giám sát thường xuyên liên tục, phát hiện kịp thời những khoản nợ xấu có vấn đề để có biện pháp để thu hồi nợ xấu được tốt nhất.

     - Giành nhiều thời gian hơn để tập trung rà soát, phân tích, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu, nợ quá hạn, nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, khả năng thu hồi nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở từng khoản nợ, tình hình tài chính, nguồn thanh toán dự án để có lộ trình thu nợ theo từng năm đối với từng khách hàng cụ thể.

     - Có thời gian tập trung nghiên cứu các văn bản quy định có liên quan để có căn cứ củng cố hồ sơ, đôn đốc thu hồi nợ. Rà soát văn bản để bổ sung, sửa đổi ban hành sao cho công tác thu hồi nợ được bảo đảm, hiệu quả nhất.

     - Chủ động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong xử lý nợ xấu. Được như vậy, tin rằng hoạt động thu hồi nợ sẽ có chuyển biến tích cực./.

                                                                                          T/g: Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng KHTH & ĐT