Thông báo:

Thủ tục và các bước Đầu tư trực tiếp

Ngày đăng: 23/05/2019, số lượt xem: 488

     1. Quy định chung về trình tự thực hiện đầu tư trực tiếp đối với dự án

     1.1. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư:

     a) Xác định hướng tuyến, địa điểm đầu tư dự án. Trường hợp cần thiết, có thể tổ chức lập ngay quy hoạch chi tiết xây dựng, tổng mặt bằng xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

     b) Lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và xác định chủ đầu tư dự án, cơ quan chuẩn bị dự án, bao gồm các công việc: Lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (đối với dự án nhóm B, nhóm C), Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đối với dự án nhóm A); thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phê duyệt chủ trương đầu tư;

     c) Lập nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư;

     d) Lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng và kiến trúc công trình xây dựng trên khu đất thực hiện dự án (có thể được thực hiện trước khi lập chủ trương đầu tư dự án);

     đ) Tổ chức thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc (đối với các dự án có yêu cầu);

     e) Khảo sát phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;

     f) Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình; g) Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với các dự án yêu cầu phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường); h) Thẩm định dự án (bao gồm cả thẩm định công nghệ, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy) và phê duyệt dự án đầu tư.

     1.2. Giai đoạn thực hiện đầu tư:

     a) Khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán đối với dự án có yêu cầu thiết kế ba bước hoặc thiết kế bản vẽ thi công, dự toán đối với dự án có yêu cầu thiết kế hai bước (gọi chung là thiết kế, dự toán);

     b) Thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán;

     c) Thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng; rà phá bom mìn, vật nổ (nếu có);

     d) Tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng;

     đ) Thi công xây dựng công trình, thực hiện đầu tư dự án;

     e) Tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành;

     f) Nghiệm thu công trình, dự án hoàn thành; bàn giao công trình, dự án hoàn thành vào sử dụng; vận hành, chạy thử công trình, dự án.

     1.3. Giai đoạn kết thúc dự án đầu tư đưa vào khai thác sử dụng.

     a) Lập phương án bảo trì, duy tu bảo dưỡng công trình, dự án;

     b) Quyết toán vốn đầu tư;

     c) Bảo hành công trình, sản phẩm của dự án.

     2. Trình tự thực hiện hoạt động tại Quỹ

     2.1. Đối với dự án Quỹ trực tiếp làm chủ đầu tư

     Được thực hiện theo đúng các quy định pháp luật của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp… và các văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.

     2.2. Đối với dự án Quỹ tham gia hợp tác đầu tư

     Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hợp tác đầu tư

     Khi có nhu cầu hợp tác đầu tư, bên đề nghị hợp tác đầu tư liên hệ với Phòng Đầu tư trực tiếp để được hướng dẫn về các thủ tục và tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu như sau:

     - Giấy đề nghị hợp tác đầu tư của bên đề nghị hợp tác đầu tư.

     - Các loại giấy tờ trong hồ sơ đề nghị hợp tác đầu tư:

+ Các loại giấy tờ phản ánh tư cách pháp lý của bên đề nghị hợp tác.

+ Các loại giấy tờ phản ánh năng lực, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của bên đề nghị hợp tác.

+ Các loại giấy tờ phản ánh dự án đề nghị hợp tác đầu tư và quá trình thực hiện đầu tư của dự án.

+ Các giấy tờ cần thiết khác.

     Bước 2: Thẩm định và xét duyệt việc hợp tác đầu tư

     - Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ tài liệu do bên đề nghị hợp tác cung cấp. Phòng Đầu tư trực tiếp tiến hành thẩm định, xét duyệt việc đầu tư theo quy định. Thời gian xét duyệt tối đa không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hợp tác đầu tư và thông tin cần thiết của đối tác.

     - Phòng Đầu tư trực tiếp báo cáo kết quả thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt việc hợp tác đầu tư:

+ Trường hợp không đồng ý việc hợp tác đầu tư: Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Phòng Đầu tư trực tiếp thông báo tới bên đề nghị hợp tác về việc từ chối hợp tác đầu tư và nêu rõ lý do từ chối.

+ Trường hợp đồng ý việc hợp tác đầu tư: Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, Phòng Đầu tư trực tiếp thông báo chấp thuận việc hợp tác đầu tư cho bên đề nghị hợp tác biết, hai bên tiến hành ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư.

     Bước 3: Thực hiện triển khai đầu tư và quản lý dự án đầu tư

     Bước 4: Quản lý khai thác và vận hành dự án.

     Bước 5: Giám sát, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư

     Bước 6: Kết thúc dự án đầu tư.

Chi tiết xin liên hệ:

Phòng Đầu tư trực tiếp - Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc.

Địa chỉ: Đường Trường Chinh, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại liên hệ: 0211.3722 883