Thông báo:

Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hành khách công cộng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Ngày đăng: 12/10/2020, số lượt xem: 1316

     Với phương châm hợp tác đầu tư, đồng hành phát triển, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc (Quỹ) đã có nhiều nỗ lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

     Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp đang vay vốn tại Quỹ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục, các trường mầm non, lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (Công ty Cổ phần Vận tải Ô tô Vĩnh Phúc), sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu, thu nhập bị sụt giảm.

     Nằm trong nhóm ngành nghề chịu tác động trực tiếp nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhiều đợt trong đó có đợt dịch xuất hiện ở thành phố Hà Nội phải tạm dừng hoạt động do phải thực hiện giãn cách xã hội. Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành tạm dừng hoạt động ba tuyến xe bus là VP-01, VP-08, VP-09 có điểm đầu, điểm cuối tiếp giáp với vùng dịch có nguy cơ lây nhiễm cao là thành phố Hà Nội. Sau giãn cách xã hội các phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt được phép hoạt động trở lại từ 0 giờ 00 phút ngày 23/4 nhưng các phương tiện vận tải hành khách bằng xe buýt đều vắng khách, có thời điểm từ điểm xuất phát đến điểm cuối, xe chỉ có một vài khách đi, lượng khách đi xe buýt những ngày này cũng chỉ đạt khoảng 20% so với thời điểm chưa diễn ra dịch bệnh Covid-19.

Hình ảnh xe buýt sau giãn cách xã hội được phép hoạt động trở lại (ảnh chụp ngày 24 /4/2020)

     Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Vĩnh Phúc cho biết: Công ty khai thác vận tải hành khách bằng xe buýt tại 6 tuyến là: 01,03,04,05,06,08, với 55 đầu xe chạy từ Vĩnh Yên đi các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương và khu công nghiệp Quang Minh, thành phố Hà Nội. Khi chưa có dịch Covid 19 một ngày chạy gần 300 lượt/ngày, 12 -13 triệu lượt khách/tháng, doanh thu đạt khoảng 7-8 tỷ đồng/tháng.

     Theo ông Thắng, đầu năm Vĩnh Phúc xuất hiện dịch Covid 19, mỗi tháng, doanh thu của Công ty giảm từ 1,5-2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4 Công ty phải bù lỗ, kể cả 4 ngày hoạt động trở lại, lượng khách đi xe chỉ đạt 20-25% so với với trước. Nguyên nhân là do lượng khách đi xe buýt chủ yếu là công nhân, học sinh, sinh viên. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn tỉnh chưa tổ chức học tập trở lại; nhiều doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, cho công nhân nghỉ việc hoặc luân phiên nghỉ việc để duy trì sản xuất. Còn người dân vẫn hạn chế đi lại trong mùa dịch bằng các phương tiện công cộng.

     Đợt dịch Covid-19 xảy ra những tháng đầu năm 2020 vừa lắng xuống, kỳ vọng sẽ sớm phục hồi sản xuất thì đợt dịch mới bùng phát khiến Công ty xoay xở không kịp, Công ty tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, hoạt động vận tải xe buýt trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số lượng hành khách đi lại giảm mạnh so với trước đây, chỉ đạt 30-40% so với cùng kỳ năm 2019.

 Một chuyến đi từ Quang Yên, Sông Lô đến thành phố Vĩnh Yên, xe chỉ có 2 khách

(ảnh chụp ngày 24/4/2020)

     Trước tình hình trên, thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và chủ trương của UBND tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp đang vay vốn tại Quỹ vượt qua khó khăn do tác động của Covid-19, Quỹ đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, đề xuất UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ vận dụng các chính sách hỗ trợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đặc biệt là nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh như lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục…

     Quỹ kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ đối với Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc: Thực hiện điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và nợ lãi cho các khách hàng có doanh thu sụt giảm đã điều chỉnh phân kỳ hạn trả nợ gốc năm 2020 và giãn thời gian trả lãi theo Hợp đồng vay vốn, tạo điều kiện giúp Công ty tập trung nguồn lực tài chính để duy trì hoạt động, trả lương cho người lao động để đảm bảo người lao động ổn định được tư tưởng trong thời gian khó khăn và trong khi Công ty chưa nhận được tiền tạm ứng kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt năm 2020 từ ngân sách tỉnh cho hoạt động xe buýt.

     Sự cố bất khả kháng do dịch bệnh Covid 19 đã làm giảm doanh thu lớn của Công ty nhưng vẫn phải thực hiện phương án vận chuyển hành khách công cộng theo kế hoạch; vẫn phải trả lãi vay huy động vốn đầu tư. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp Công ty duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện đúng phương án sản xuất kinh doanh theo hợp đồng ký kết. Đề nghị UBND tỉnh các Sở ngành xem xét hỗ trợ kinh phí và cấp kinh phí trợ giá xe buýt từ nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động xe buýt thuộc sự nghiệp kinh tế trong dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2020 cho Công ty cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc để hỗ trợ Công ty vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Đồng thời Công ty có nguồn hoàn trả lãi, gốc vốn vay trong điều kiện khó khăn./.

                                                                                               Phòng KHTH & Đầu tư