Thông báo:

GIẢI PHÁP THU HÚT QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG NGUỒN DỮ LIỆU THÔNG TIN TÍN DỤNG

Ngày đăng: 05/07/2023, số lượt xem: 106

                                                                                           ThS. Văn Đức Sơn

                                                           Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc

     Hiện nay, mỗi địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) đều có hơn 10 Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, hoạt động như: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Khoa học công nghệ, Quỹ Tài nguyên môi trường, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã… Đa số các Quỹ theo quy định chức năng, nhiệm vụ đều có hoạt động cho doanh nghiệp vay vốn; nhưng không phải 100% các Quỹ địa phương và không phải địa phương nào có Quỹ như Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng đều tham gia thực hiện thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng sử dụng vốn của Quỹ và các tổ chức tín dụng trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

     Ở Vĩnh Phúc, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng là một trong những loại Quỹ đã tham gia, sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ CIC. Việc tham gia, sử dụng thông tin của CIC có tác dụng hiệu quả trong việc khai thác thông tin khách hàng trước khi xem xét quyết định cho vay, đầu tư, cấp bảo lãnh tín dụng; đồng thời minh bạch hóa hoạt động của khách hàng trong quá trình sử dụng vốn của Quỹ.

     Thực tế đã cho thấy, việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng của CIC giúp các Quỹ phòng ngừa rủi ro và cung cấp kịp thời thông tin trong công tác quản lí. Tuy nhiên, hoạt động vẫn còn một số khó khăn như:

      Các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có hoạt động như tổ chức tín dụng tham gia vào việc sử dụng cơ sở dữ liệu của CIC vẫn còn ít. Nhiều địa phương có Quỹ hoạt động như tổ chức tín dụng nhưng chưa tiếp cận CIC. Đối với các tổ chức, đơn vị sử dụng CIC vẫn còn tình trạng chấp hành báo cáo thông tin chậm; cung cấp thông tin thiếu sót; nhận được yêu cầu điều chỉnh sai sót thông tin nhưng khắc phục chậm, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp thông tin của CIC.

     Để khắc phục những khó khăn này, cần có những giải pháp đối với việc thu hút Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cung cấp và sử dụng nguồn dữ liệu thông tin tín dụng.

     Trước hết, CIC là tổ chức lưu trữ thông tin của khách hàng vay vốn ở các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quản lí, bao gồm các nội dung: Khoản vay của khách hàng là bao nhiêu?; vay tại ngân hàng nào?; có trả nợ đều hay không?; thuộc nhóm nợ nào?; mục đích khi vay vốn?; thời gian kết thúc nợ khi nào (đáo hạn)?; thế chấp tài sản bằng gì?

     Do vậy, thông tin từ các tổ chức cho khách hàng vay cung cấp minh bạch, khách quan, trung thực, kịp thời đến CIC là yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng và hiệu quả thông tin tín dụng của CIC.

    Trên thực tế, Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương có vốn điều lệ từ nguồn ngân sách địa phương cấp nhằm hỗ trợ khách hàng (vay vốn, đầu tư) thực hiện dự án theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chủ yếu là các công trình, dự án phục vụ công ích và xã hội, lợi nhuận từ những dự án thường bấp bênh, ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Đa số các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Vì vậy, khách hàng có thể gọi là “khách hàng đặc thù”, sử dụng vốn của Quỹ để thực hiện mục tiêu của địa phương (theo danh mục ưu tiên và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận) nên khả năng hoàn vốn trong kinh doanh cần phải có nhiều thời gian và đối mặt với mức độ rủi ro cao.

      Hơn nữa, vốn chủ sở hữu của các Quỹ này không lớn; số khách hàng sử dụng vốn không nhiều nên chỉ cần một khách hàng rủi ro sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của Quỹ, ví dụ: Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc mua xe buýt để thực hiện chủ trương phát triển của tỉnh. Qua 02 năm chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, công ty không có khả năng trả nợ theo kế hoạch, phải dừng hoạt động, trong khi đó, tài sản đảm bảo là tài sản hình thành trong tương lai (động sản) khấu hao vô hình lớn. Tài sản đặc thù khó xử lí ảnh hưởng trực tiếp đến thu hồi vốn và kết quả hoạt động của Quỹ (phải trích dự phòng cụ thể lớn). Quỹ phải sử dụng các giải pháp theo quy định để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp ổn định trong thời gian nhất định với mong muốn công ty khôi phục tình hình kinh doanh sau dịch bệnh. Thực tế trên cho thấy đây là nguyên nhân liên qua đến vấn đề các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương chưa tiếp cận CIC; còn đưa thông tin chậm hoặc thông tin thiếu chính xác. Bên cạnh đó, số lượng khách hàng sử dụng vốn của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương còn thấp. Khách hàng sử dụng vốn vay, đầu tư với mục đích phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, sau đó mới đến lợi nhuận nên khả năng hoàn vốn theo kế hoạch thường có sự thay đổi.

     Hơn nữa, đặc điểm của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là vốn điều lệ do ngân sách địa phương cấp. Bộ máy hoạt động của Quỹ có Hội đồng hoặc người đại diện chủ sở hữu là người có chức vụ trong hệ thống quản lí nhà nước ở địa phương; trong đó nhiều Quỹ thành viên Hội đồng quản lí là lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước nên trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động các Quỹ có số khách hàng ít hầu hết đều có được thông tin cần thiết trong việc xem xét chỉ đạo thực hiện, vì vậy, các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa sẵn sàng sử dụng thông tin của CIC.

     Mặt khác, hệ thống văn bản của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách không quy định bắt buộc các Quỹ phải cung cấp thông tin khách hàng của Quỹ lên CIC. Thực tế các Quỹ không cung cấp dữ liệu thì CIC sẽ thiếu dữ liệu để cung cấp cho các tổ chức tín dụng có nhu cầu khai thác khách hàng liên quan đến Quỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thông tin của CIC.

     Để các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương có chức năng hoạt động như tổ chức tín dụng sử dụng CIC cần có những giải pháp tạo động lực thu hút tổ chức này sử dụng; có chế tài quy định bắt buộc phải chấp hành để phục vụ cơ quan có thẩm quyền quản lí; phòng ngừa rủi ro cho tổ chức tín dụng, cụ thể:

     Một là, xây dựng cơ chế để các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương phải tham gia, sử dụng CIC đồng thời luôn chủ động cung cấp thông tin tới CIC theo định kì.

     Muốn vậy, cơ chế cần quan tâm đến đặc thù của các tổ chức này là: Nguồn vốn chủ yếu do ngân sách địa phương cấp; đối tượng phục vụ hạn chế, mục đích sử dụng vốn phải theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo chủ trương của địa phương; số lượng khách hàng ít; một hoặc hai khách hàng rủi ro sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động; các tổ chức này ra đời để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư theo chủ trương cấp tỉnh; nếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn cần phải tháo gỡ , hỗ trợ ổn định tiếp tục phát triển nhằm phục vụ cho mục tiêu địa phương đặt ra… Vì vậy, cơ chế nên xây dựng riêng về phân loại nợ, mức tính, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động của tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Không nên quy định chung với các tổ chức tín dụng (Các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có hướng dẫn riêng vì hai tổ chức này có đặc thù khác nhau nhiều).

     Mặt khác, hiện nay chưa quy định các Quỹ bắt buộc phải cung cấp thông tin; chỉ giới hạn trong phạm vi thỏa thuận giữa CIC với đơn vị có nhu cầu sử dụng nên việc cung cấp thông tin dễ nảy sinh có lợi mới cung cấp, không lợi cho đơn vị sẽ hạn chế cung cấp.

     Vì vậy, xây dựng được cơ chế riêng và quy định bắt buộc chung sẽ tạo cho các Quỹ thực hiện thống nhất trong cả nước và trong toàn bộ các Quỹ tài chính nhà nước trong một địa phương; tạo điều kiện để các Quỹ khai thác, sử dụng CIC để cùng phát triển, phòng chống rủi ro.

     Hai là, mỗi tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách địa phương có chiến lược, kế hoạch phát triển trình cấp có thẩm quyền ở địa phương quyết định cần gắn với xu hướng các tổ chức tín dụng đã sử dụng hệ thống công nghệ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả từ việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới về chuẩn hóa dữ liệu để hoạt động tín dụng được minh bạch. Có như vậy, các Quỹ ứng dụng công nghệ thông tin trong sử dụng CIC vào hoạt động của đơn vị sẽ được đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ người đại diện chủ sở hữu đến người điều hành quản lí và cán bộ, nhân viên thực thi; chức năng, nhiệm vụ hoạt động của Quỹ sẽ được lưu trữ cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng đơn vị trong thông tin tín dụng quốc gia.

     Ba là, CIC là đầu mối tổ chức thực hiện hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng để phục vụ mục đích quản trị rủi ro, quản lí danh mục, đánh giá, tìm kiếm khách hàng… Luật Các tổ chức tín dụng quy định “Tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng, Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Tổ chức tài chính vĩ mô và Quỹ tín dụng nhân dân”, không quy định có các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương. Vì vậy, để các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách được sử dụng CIC đồng bộ, thống nhất, đề nghị CIC tiếp tục triển khai giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng mở rộng dự trữ từ nguồn thông tin trong ngành, thông tin phi truyền thống như các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương…

     Bốn là, CIC cần có đánh giá tình hình sử dụng, tham gia của các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở địa phương, biểu dương kịp thời đơn vị làm tốt, nhắc nhở kịp thời địa phương chưa tham gia, sử dụng các hình thức phù hợp như: Tuyên truyền, phản ánh tới cấp quản lí Quỹ để có sự chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

     Tài liệu tham khảo:

     1.“Phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng làm trụ cột hạ tầng tài chính quốc gia” Báo Tuổi trẻ ngày 7/4/2022.

     2. “CIC tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng” Tạp chí Ngân hàng ngày 8/4/2019.

    3. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

    4. Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương

    5. Thông tư số 11/2021 ngày 30/7/2021 quy định về phân loại tài sản có, mức tính, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    6. Quy định tổ chức hoạt động của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách địa phương, Quỹ Khoa học công nghệ, Quỹ Tài nguyên môi trường, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã, Quỹ Phát triển tài năng trẻ…

    7. Báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội Quỹ Đầu tư phát triển địa phương năm 2020, 2021 của Quỹ Đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.