Thông báo:

Chặn “vòi bạch tuộc” tín dụng đen

Ngày đăng: 31/07/2019, số lượt xem: 108
Hoạt động tín dụng đen diễn ra ngày càng tinh vi, khó kiểm soát; nếu không xử lý tốt sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội. Trước thực trạng ấy, Vĩnh Phúc đã có những giải pháp quyết liệt với sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của nhiều ngành, đơn vị chức năng nhằm ngăn chặn việc tín dụng đen vươn "vòi bạch tuộc" trên địa bàn.

 

     Theo thống kê, toàn tỉnh có 442 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính; trong đó có 340 cơ sở được cấp phép hoạt động. Một số cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật như: Cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, móc nối với các đối tượng hình sự hoạt động phạm tội như sử dụng hung khí nguy hiểm để đòi nợ, xiết nợ, giải quyết mâu thuẫn... Thực hiện Chỉ thị số 46, 48, 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ANTT và tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình phòng chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025. Đồng thời, ban hành Chỉ thị số 14 về thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT trên địa bàn; triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã; chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương chủ động nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống tội phạm, đặc biệt là triển khai Đề án phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen. Công an các huyện, thành phố rà soát, lập và công khai danh sách các cơ sở kinh doanh cầm đồ, tăng cường công tác quản lý, tiếp nhận và giải quyết các tin báo tố giác về tội phạm liên quan đến tín dụng đen; tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh các vụ án có liên quan đến tội phạm này.  

Hoạt động cho vay nặng lãi đang tiếp cận người dân qua các tờ rơi được dán khắp nơi.

 

     Theo báo cáo của Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình ANCT- TTATXH trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tội phạm về trật tự xã hội, vi phạm về quản lý kinh tế, môi trường, tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội cơ bản được kiềm chế, không phát sinh mới các tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp. Tuy nhiên, tội phạm liên quan đến hoạt động cầm đồ, tín dụng đen vẫn còn xảy ra và có độ tuổi ngày càng trẻ hóa. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 223 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm chết 6 người, bị thương 48 người, thiệt hại về tài sản trên 13 tỷ đồng; phát hiện 263 vụ, việc tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường. Lực lượng công an tỉnh đã kiểm tra 573 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 67 trường hợp vi phạm; điều tra, làm rõ 197 vụ, với 257 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, thu hồi tài sản trị giá trên 4,1 tỷ đồng…

     Cùng với sự quyết liệt vào cuộc của ngành công an, các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi hoạt động này. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt, quản lý sim điện thoại, nhất là sim rác. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh cầm đồ, cho vay hỗ trợ tài chính, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm nghĩa vụ thuế, xử lý nghiêm đối với các cơ sở có hoạt động không kê khai, trốn thuế…Đặc biệt, khi tín dụng đen đang đe dọa sự yên bình của nhiều làng quê thì hệ thống ngân hàng phối hợp các bộ, ngành chức năng cũng đưa ra một loạt giải pháp để đáp ứng kịp thời hơn nhu cầu vay vốn của người dân. 

     Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng tín dụng, nhất là cho vay tiêu dùng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân đang là một trong những giải pháp căn cơ mà ngành ngân hàng triển khai thực hiện để ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt gần 66.500 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân đạt 36.317 tỷ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 54,63% tổng dư nợ. Con số này là minh chứng về sự nỗ lực của ngành ngân hàng Vĩnh Phúc trong thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với công tác giải ngân vốn vay tiêu dùng. Nhằm giải quyết bài toán tín dụng đen, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Theo đó, cùng với duy trì và đẩy mạnh công tác cho vay qua tổ vay vốn, mở rộng mạng lưới hoạt động, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi, các tổ chức tín dụng sẽ dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu nâng cao đời sống chính đáng của người dân. Làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính kinh doanh, đổi mới hình thức giao dịch; chủ động xem xét gia hạn nợ, giãn nợ; điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến chưa thể trả được nợ đúng hạn; tăng cường tiếp thị, quảng cáo về các sản phẩm cho vay đời sống, tiêu dùng để người dân hiểu rõ và tiếp cận vay vốn...
     Có thể thấy, việc kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm với các nhóm tín dụng đen bước đầu đã có hiệu quả. Nhưng không vì vậy mà có thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bởi những đối tượng này luôn có nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi hơn để mời gọi, lôi kéo người dân. Để tránh những hệ lụy khôn lường của việc vay tín dụng đen, thiết nghĩ, cùng với những giải pháp, nỗ lực không ngừng từ các cơ quan chức năng, việc nâng cao cảnh giác của người tiêu dùng chính là yếu tố quan trọng nhất. Đó là lý do để ngành chức năng luôn khuyến cáo người dân: Khi có nhu cầu vay tiền thì cần phải tìm hiểu thật kỹ bởi các hoạt động cho vay không chính thống thực tế thường là những cái bẫy mà khi rơi vào các nạn nhân sẽ gặp rất nhiều phiền toái.

 

                                                               (Trích nguồn Thiệu Vũ – Báo Vĩnh Phúc)