Thông báo:

BÀN VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG, TÀI CHÍNH KHI CHƯA CÓ QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP ĐẾN ĐƠN VỊ MỚI

Ngày đăng: 12/05/2023, số lượt xem: 221

                                                    Văn Đức Sơn

                                                             Giám Đốc Quỹ ĐTPT&BLTD tỉnh Vĩnh Phúc

     Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết phê duyệt đề án tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng thành 2 Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng, trong đó Quỹ Đầu tư phát triển nhận ủy thác quản lý hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Song Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng chưa thành lập. Vậy xây dựng kế hoạch hoạt động như thế nào cho phù hợp, cần có sự trao đổi làm rõ để thực hiện đúng.

     Có ý kiến cho rằng Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng xây dựng kế hoạch hoạt động tài chính cho từng Quỹ (Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng) trên cơ sở Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành đó là vốn điều lệ; Các vốn khác, tài sản khác được Hội đồng nhân dân tỉnh phân định tại Nghị quyết để xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính cho Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

     Có ý kiến cho rằng hiện nay chưa có đại diện chủ sở hữu của 2 Quỹ nên việc xây dựng kế hoạch hoạt động tiếp tục theo hướng tách hoạt động và tài chính của từng lĩnh vực đó là hoạt động đầu tư và hoạt động bảo lãnh. Khi cấp có thẩm quyền quyết định thành lập 2 Quỹ thì cơ quan có trách nhiệm sẽ xác định rõ nội dung phân định của 2 Quỹ trên cơ sở Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

     Thực tế, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng đã xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính, kế hoạch lao động tiền lương theo hướng: Những nội dung nào tách rõ được về hoạt động và tài chính thì xây dựng riêng cho 2 lĩnh vực (Đầu tư, Bảo lãnh); những nội dung nào hoạt động chung thì xây dựng theo phương án phân chia theo tỷ lệ vốn cho từng hoạt động (Đầu tư, Bảo lãnh).

     Nếu xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính cho từng Quỹ thì chưa đủ căn cứ pháp lý cụ thể: Chưa có Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng xây dựng nội dung cho từng Quỹ sẽ khó cho việc thực hiện, mặt khác chưa thể xây dựng kế hoạch tài chính của Quỹ Đầu tư phát triển vì chưa có quy định nội dung cụ thể (Phí Quỹ Đầu tư phát triển hưởng khi nhận ủy thác) để xây dựng được doanh thu riêng.

     Khoản 2 và điều 32 Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: 1. Việc nhận ủy thác của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc hợp đồng nhận ủy thác ký kết giữa Quỹ với tổ chức, cá nhân ủy thác quyết định. Hợp đồng nhận ủy thác bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

     a. Tên, địa chỉ, tư cách pháp nhân, người đại diện pháp luật của bên ủy thác (nếu có) và bên nhận ủy thác (Quỹ Đầu tư phát triển địa phương).

     b. Mục đích ủy thác; nội dung ủy thác.

     c. Số vốn ủy thác; thời hạn ủy thác; chi phỉ ủy thác.

     d. Đối tượng thụ hưởng; trách nhiệm thẩm định và giám sát hoạt động ủy thác; trách nhiệm xử lý rủi ro của bên ủy thác…

     3. Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có rách nhiệm hạch toán tách bạch vốn nhận ủy thác và tài sản hình thành từ vốn nhận ủy thác (nếu có) với nguồn vốn hoạt động và tài sản của Quỹ…

     Mặt khác khoản 1 điều 4 “Thông tư 86/2021/TT-BTC quy định “Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có trách nhiệm xây dựng và trình Hội đồng quản lý ban hành quy chế quản lý hoạt động đầu tư xây dựng…; Quy chế quản lý hoạt động ủy thác và các quy chế khác theo yêu cầu của Hội đồng quản lý Quỹ”.

     Hơn nữa khoản 1,2 điều 14 Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định “1. Việc tổ chức điều hành hoạt động Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo 1 trong 2 phương thức sau:

     a. Thành lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành độc lập độc lập quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương;

     b. Ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng.

    2. Trường hợp hoạt động theo mô hình ủy thác tại điểm b điều này:

     a. Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định tại điều 5 và điều 6 Nghị định này.

    b. Việc ủy thác cho Quỹ tài chính địa phương tổ chức quản lý điều hành Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải thực hiện thông qua văn bản ủy thác giữa hai bên trong đó nêu rõ các nội dung: phạm vi ủy thác, tổ chức bộ máy…, nội dung ủy thác,…

     Với quy định như vậy, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng chưa thể xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính cho riêng 2 Quỹ (Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng). Việc xây dựng kế hoạch thực hiện theo hướng tách rõ hoạt động của từng lĩnh vực của hoạt động đầu tư, hoạt động bảo lãnh trình cấp có thẩm quyền. Khi Ủy ban nhân tỉnh quyết định thành lập (tổ chức lại Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng thành Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng, trong đó xác định rõ nội dung ủy thác, nhận ủy thác). Khi đó cơ quan có trách nhiệm sẽ thực hiện làm rõ tài chính cho từng Quỹ trình Ủy Ban Nhân dân tỉnh quyết định; và khi có chủ đại diện sở hữu của từng Quỹ thì việc xây dựng kế hoạch hoạt động, tài chính của từng Quỹ mới có đủ căn cứ. Thực hiện như vậy mới đảm bảo quy định./.