Thông báo:

HIỂU ĐÚNG ĐỂ THỰC HIỆN ĐÚNG

Ngày đăng: 24/11/2022, số lượt xem: 109

                                                                                                      Văn Đức Sơn

                                                                                     Giám đốc Quỹ ĐTPT&BLTD tỉnh Vĩnh Phúc

     Nghị định số 147/2020/NĐ-CP của chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ban hành ngày 18/12/2020 thay thế Nghị định 138/2007/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/2/2021 nhưng địa phương chưa ban hành văn bản thuộc thẩm quyền, trong khi điều khoản chuyển tiếp của Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định “Các dự án cho vay, đầu tư đã được ký kết trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP cho đến hết thời hạn hợp đồng. Trường hợp sửa đổi, bổ sung các hợp đồng này thì thực hiện theo quy định tại nghị định này”. Vậy nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện theo Nghị định nào đúng pháp luật, cần được trao đổi làm rõ.

     Điều 18 Nghị định 138/2007/NĐ-CP quy định “ Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng”, không quy định rõ nội dung cơ cấu lại nợ, nên có Quỹ đã thực hiện thỏa thuận với khách hàng theo hướng “Số nợ gốc, lãi tiền vay đến hạn không trả được mà không được gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn hoặc thời gian gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn đã hết thì chuyển toàn bộ số dư thực tế, kể cả phần chưa đến hạn của hợp đồng sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn…”,trên cơ sở văn bản của địa phương quy định cụ thể hóa Nghị định 138/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Nay hợp đồng đang còn hiệu lực, trong khi Nghị định 147/2020/NĐ-CP, địa phương chưa ban hành văn bản cụ thể hóa . Vậy thực hiện theo hợp đồng (không thay đổi) được không ?.

     Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thi hành được ngay. Trong trường hợp có điều khoản cần quy định chi tiết thì có thể giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết; Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành với văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực; Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

     Như vậy địa phương chưa ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị định 147/2020/NĐ-CP thì mọi văn bản cụ thể hóa theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP và Nghị định 37/2013/NĐ-CP đều đã hết hiệu lực. (Tức là hợp đồng cho vay với khách hàng thực hiện theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP phải điều chỉnh, bổ sung theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

     Tại khoản 1 điều 54 Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định điều khoản chuyển tiếp “ Các dự án cho vay, đầu tư đã được ký kết trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết theo giới hạn cho vay, đầu tư quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP”, tức là các dự án cho vay, đầu tư đã ký kết trước khi có Nghị định 147/2020/NĐ-CP nay còn hiệu lực thì chỉ được tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký nội dung giới hạn cho vay, đầu tư theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP còn các nội dung khác phải sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP.

     Vì vậy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hợp đồng theo Nghị định 138/2017/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP phải thực hiện theo quy định đã sửa đổi tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện như vậy mới phù hợp với quy định của pháp luật./.