Thông báo:

THỜI ĐIỂM SỬA ĐỔI HỢP ĐỒNG VAY VỐN ĐẦU TƯ KHI NGHỊ ĐỊNH 147/2020/NĐ – CP CÓ HIỆU LỰC

Ngày đăng: 28/11/2022, số lượt xem: 112

     Thực tế, có địa phương nhiều khách hàng vay vốn đầu tư hiện đang còn hiệu lực nhưng cấp có thẩm quyền chưa ban hành hệ thống văn bản thực hiện theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP. Trong khi đó, một số nội dung hợp đồng chưa phù hợp với Nghị định, nhưng chưa xuất hiện tình tiết để áp dụng các điều khoản trong hợp đồng. Vậy thời điểm nào sửa đổi hợp đồng vay vốn đầu tư theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP là phù hợp.

      Hợp đồng vay vốn là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ nhất định của các bên, theo đó bên cho vay giao vốn (tiền, tài sản…) cho bên vay ; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả vốn cho bên cho vay (tín chấp hoặc có tài sản đảm bảo) theo quy định của tổ chức tín dụng (bên cho vay) và trả lãi theo thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Tức là nội dung hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên cho vay và vay trên cơ sở pháp luật cho phép. Mặt khác, quy định mẫu hợp đồng vay vốn có điều khoản sửa đổi, bổ sung, thanh lý hợp đồng với nội dung: Các điều khoản trong hợp đồng này có thể sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận của các bên. Bất kỳ sự sửa đổi bổ sung nào cũng phải được lập thành văn bản, có chữ ký của hai bên và là một bộ phận không tách rời của hợp đồng này và hoàn toàn không ảnh hưởng đến hiệu lực của các điều khoản khác.

      Các tranh chấp hợp đồng được hai bên giải quyết bằng thương lượng theo tinh thần bình đẳng và cùng có lợi. Trường hợp không thể giải quyết được bằng thương lượng, hai bên sẽ đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa có thẩm quyền.

     Do vậy, nội dung hợp đồng vay vốn được sửa đổi, bổ sung khi các bên phát sinh tình tiết mới gây thiệt hại đến quyền và trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa có tình tiết gây thiệt hại thì chưa phải thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

     Liên hệ giữa hợp đồng vay vốn đầu tư giữa Quỹ Đầu tư phát triển địa phương với khách hàng, nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hai bên thỏa thuận thực hiện theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN…đó là “Số nợ gốc, lãi tiền vay đến hạn không trả được mà không được gia hạn , điều chỉnh kỳ hạn hoặc thời hạn gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn đã hết thì toàn bộ số dư nợ thực tế, kể cả phần chưa đến hạn của hợp đồng chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn…”.

     Theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP tại khoản 3 điều 31 quy định: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng (Đây là điểm mới, Nghị định trước không quy định). Và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định “Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ…”. Do vậy, khách hàng vay vốn trước khi có Nghị định 147/202/NĐ-CP đang còn hiệu lực, nếu số dư nợ gốc đến hạn không trả được, không được cơ cấu lại thì chuyển nợ quá hạn. Số dư nợ gốc chưa đến hạn chưa phải chuyển nợ quá hạn.

     Tuy nhiên, Quỹ Đầu tư phát triển và khách hàng chưa xẩy ra việc có số dư nợ gốc đến hạn không trả; Khách hàng chưa đề xuất sửa đổi hợp đồng theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN; Mặt khác, địa phương chưa có văn bản cụ thể hóa việc thực hiện Nghị định 147/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nên việc sửa đổi hợp đồng vay vốn đầu tư theo Nghị định 147/2020/NĐ-CP chỉ thực hiện đối với trường hợp xuất hiện tình tiết có khả năng không thu được nợ đúng hạn, không cơ cấu lại được để sửa đổi hợp đồng là phù hợp nhất vì các lý do sau:

     Một là: Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định không bắt buộc thời điểm sửa đổi, bổ sung . Chỉ quy định “ Trường hợp sửa đổi bổ sung thì thực hiện theo quy định tại Nghị định.

     Hai là: Việc sửa đổi hợp đồng là sự thỏa thuận của hai bên; Việc sửa đổi cơ cấu lại thời hạn trả nợ là có lợi cho bên vay trong khi đó bên vay chưa đề nghị

     Ba là: Địa phương chưa sửa đổi, thay thế các văn bản cụ thể hóa tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển ở địa phương nên các cơ sở thực hiện chưa đầy đủ để áp dụng toàn bộ các khách hàng. \

     Bốn là: Nếu thực hiện toàn bộ các khách hàng sẽ gây thêm các thủ tục hành chính cho các khách hàng, chủ đầu tư không muốn sửa đổi vì điều kiện sản xuất – kinh doanh ổn định, khả năng hoàn trả vốn đảm bảo kế hoạch; hoặc thời hạn trả nợ còn ít, số vốn còn ít đảm bảo khả năng trả được.

     Năm là: Trường hợp xấu, khách hàng đến hạn không có khả năng trả được, khi đó có văn bản đề nghị Quỹ thỏa thuận và sửa đổi hợp đồng trước khi quyết định chuyển quá hạn cũng không muộn; và không vi phạm quy định.

     Từ cơ sở trên cho thấy: Thời điểm sửa đổi hợp đồng vay vốn khi Nghị định 147/2020/NĐ-CP có hiệu lực là lúc khách hàng, Quỹ Đầu tư xác định khả năng trả nợ không đúng hạn để thỏa thuận thống nhất sửa đổi trước khi quyết định chuyển nợ quá hạn là phù hợp./.

                                                                                                                       VĐ