Thông báo:

BÀN VỀ CƠ CẤU LẠI CHO KHÁCH HÀNG KHI CÓ NGHỊ ĐỊNH 147/2020/NĐ – CP CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày đăng: 25/11/2022, số lượt xem: 105

     Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thành lập để thực hiện 5 chức năng, nhiệm vụ trong đó có hoạt động cho vay đầu tư. Theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cho vay đầu tư; không nêu rõ cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chỉ quy định phân loại nợ, trích lập dự phòng xử lý rủi ro như các tổ chức tín dụng. Trường hợp do chính sách Nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiêp đến hoạt động của dự án mà dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn trong trả nợ vay thì chủ đầu tư được xem xét gia hạn nợ, xóa, giảm lãi tiền vay; khoanh nợ…vì vậy, có nơi ban hành quy định về nghiệp vụ cho vay đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng, có thời điểm quy định theo Quỹ địa phương đặt ra, cụ thể:

     Trước năm 2017 Quỹ địa phương quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN và Quyết định 127/2005/QĐ-NHNN, Quyết định 783/2005/QĐ-NHNN đó là: Khi đến kỳ hạn trả nợ gốc hoặc lãi, nếu khách hàng không trả nợ đúng hạn và không được điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc hoặc lãi hoặc không gia hạn nợ gốc hoặc lãi thì tổ chức tín dụng chuyển toàn bộ số dư nợ sang nợ quá hạn. Tức là khách hàng có một khoản trong hợp đồng đến hạn không trả được nợ, không được điều chỉnh kỳ hạn nợ gốc thì toàn bộ khoản nợ trong hợp đồng phải chuyển sang nợ quá hạn.

     Từ ngày 15/3/2017 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực và thay thế các quyết định trước ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Trong đó, nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ thay đổi là: Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp nhận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn. Tức là một khoản nợ gốc không trả được đúng hạn, không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì khoản này chuyển nợ quá hạn. (Không phải toàn bộ nợ gốc của khách hàng chuyển nợ quá hạn). Thông tư 39/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 15/3/2017 nhưng hoạt động cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển không quy định bắt buộc phải thực hiện nội dung cơ cấu lại thời hạn trả nợ như tổ chức tín dụng. Nên có nơi không sửa đổi quy chế, quy trình theo nội dung thay đổi theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN.

     Nghị định 147/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thay thế Nghị định 138/200/NĐ-CP và 37/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ 5/2/2021 tại khoản 3 điều 31 quy định: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng. Vì vậy khách hàng đang thực hiện hợp đồng vay vốn trước khi có Nghị định này, nay không trả được nợ đúng hạn thì Quỹ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc không cơ cấu, chuyển nợ quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng: Tức là Quỹ Đầu tư phát triển phải thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.

     Tuy nhiên quy trình, thẩm quyền, các trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ do Quỹ Đầu tư phát triển địa phương ban hành Quy chế bộ. (Theo quy định tại điều 31 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP). Hiện nay, Quy chế nội bộ chưa được ban hành . Vậy xử lý thế nào là phù hợp với pháp luật ? ..

     Theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản ban hành căn cứ vào văn bản đã hết hiệu lực thì văn bản đó cũng hết hiệu lực. Do vậy, Quy chế nội bộ của Quỹ căn cứ văn bản của Chính phủ đã hết hiệu lực thì phải thay đổi cho phù hợp.

     Trong trường hợp chưa thay đổi được, việc áp dụng pháp luật theo hướng quy trình, thủ tục, thẩm quyền; các trường hợp cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy chế nội bộ của Quỹ có nội dung chưa phù hợp với quy định Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì áp dụng theo quy định tại Thông tư có hiệu lực đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Thực hiện được như vậy là áp dụng pháp luật bảo đảm được nguyên tắc; Bảo đảm được quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên có liên quan; Và điều quan trọng nhất là có giải pháp tốt để hỗ trợ khách hàng, dự án khi gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh./.

                                                                                                              ĐS