Thông báo:

Những triệu phú khởi nghiệp từ làng

Ngày đăng: 03/11/2020, số lượt xem: 216
Sinh ra và lớn lên từ những làng quê, với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm lập nghiệp từ những mô hình kinh tế gắn với sản xuất nông nghiệp; trải qua nhiều khó khăn, thất bại, nhưng bằng ý chí, nghị lực, họ đã vươn lên trở thành những triệu phú trên quê hương “khoán hộ”.

Bỏ lương 10 triệu đồng/tháng về quê trồng rau sạch

     Dù hẹn gặp vào thời điểm rảnh rỗi nhất trong ngày của anh Lâm Văn Trung, xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên) nhưng chúng tôi vẫn phải chờ 30 phút mới gặp được anh. Anh bảo: "Nhà báo thông cảm nhé, mình phải bổ sung thêm chuyến hàng cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch bởi nhu cầu sử dụng rau sạch cho bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng ngày càng tăng".

Anh Lâm Văn Trung, chủ nhân khu nghỉ dưỡng The Deck Đại Lải, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) đang chăm sóc vườn cây phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách.

                                                                                                                     Ảnh Trà Hương

     Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Trung cho biết: Nghỉ việc tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sau 12 năm gắn bó với mức lương 10 triệu đồng, anh trở về quê hương tiếp quản gần 6 ha đất ruộng, 4 ha đất đồi và 15 ha hồ đầm mà bố mẹ anh đã thuê trước đó để bắt tay vào làm nông nghiệp an toàn. Do nóng vội, lại thiếu kỹ thuật trong việc xử lý đất, dẫn đến cây khoai tây bị nấm chết hàng loạt, khiến vụ đầu tiên sản xuất của anh mất trắng, lỗ gần 500 triệu đồng.

     Không nản chí, anh tiếp tục vay mượn đầu tư trồng 5ha ớt. Bao nhiêu tâm huyết, công sức cùng số vốn đầu tư, anh bỏ hết vào mô hình này. Anh nhẩm tính số lợi nhuận thu được và ấp ủ dự định sẽ mở rộng diện tích trồng ớt. Nhưng đến khi thu hoạch, ớt rớt giá đến nỗi không thèm thu hoạch. Những tưởng thời điểm đó, anh Trung khó có thể gượng dậy.

     Với suy nghĩ tích cực và đam mê làm nông nghiệp, anh Trung dành thời gian tham quan học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật rồi "khăn gói" vào Đà Lạt học tập trồng rau trong nhà lưới. Khi có kinh nghiệm, anh về bàn với gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo lại ruộng đất, xây dựng nhà lưới, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

     Với quy trình trồng rau sạch, theo phương châm mùa nào rau ấy, anh Trung phát triển đa dạng các loại cây trồng, từ rau ăn lá đến các loại củ quả như: Khoai tây, bầu, bí xanh, dưa chuột, cà tím, dưa lê. Phần diện tích 4ha đất đồi và 15 ha hồ nước cũng được anh tận dụng để trồng các loại cây ăn quả như: Ổi, nhãn, bưởi, cam, thanh long...; thả cá kết hợp với chăn nuôi gà, vịt. Đặc biệt, đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, anh dành 0,5ha trồng thử nghiệm cây măng tây và cho kết quả cao. Chỉ riêng năm 2019, anh thu được 1,7 tỷ đồng tiền rau, 30 tấn nhãn, 20 tấn cá.

     Chưa dừng lại ở đó, anh thuê lại trang trại rộng 4ha của một gia đình ở Hà Nội để cải tạo, triển khai mô hình du lịch sinh thái ở Đồng Câu, Ngọc Thanh. Tại đây, du khách được tham gia những trải nghiệm thú vị như câu cá, trồng cây, hái quả, bắt gà, vịt, tự tay chế biến những thực phẩm chính mình bắt được. Mặc dù mới đi vào hoạt động được 2 năm, song mô hình của anh đã thu hút nhiều đoàn du khách nước ngoài, học sinh các trường quốc tế.... với doanh thu đạt 30 -35 triệu/tháng. Đó là chưa kể hàng nông sản bán cho khách lưu trú cũng đem lại những khoản thu nhập cao.

     Nuôi bò sữa thu nhập gần 3 triệu đồng/ngày

     Mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi; tích cực học hỏi kỹ thuật, anh Đặng Văn Ninh, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) đã thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa, thu nhập gần 3 triệu đồng/ngày, góp phần xây dựng hình ảnh thanh niên nông thôn của thời đại mới xung kích, năng động sáng tạo, khát khao vươn lên làm giàu cho gia đình,

     Anh Ninh cho biết: Trước đây, anh cũng làm rất nhiều nghề, nhưng lương thấp. Năm 2010, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ chăn nuôi bò sữa, anh mạnh dạn làm chuồng trại và mua con giống. 2 năm đầu tiên, do thiếu vốn và kinh nghiệm chăm sóc, dẫn đến bò ốm, chết, bao nhiêu vốn liếng đều “đội nón” ra đi. Chủ động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tích cực tìm tòi, học hỏi qua các kênh thông tin, anh Ninh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trong chăn nuôi bò sữa. Anh Đặng Văn Ninh, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) đã thành công chăn nuôi bò sữa với thu nhập gần 3 triệu đồng/ngày Ảnh Thế Hùng Từ 2 con bò sữa, đến nay, anh đã tăng quy mô đàn lên 20 con. Hàng ngày, anh vừa là ông chủ vừa làm công nhân, tự tay làm tất cả mọi việc từ xay cỏ, cho bò ăn, dọn rửa chuồng… Theo anh Ninh,

     Hiện nay, các doanh nghiệp thu mua sữa kiểm tra khá chặt chẽ chất lượng đầu vào và giá thu mua đều phụ thuộc vào chất lượng sữa thương phẩm, vì vậy, để nâng cao năng suất, chất lượng nguồn sữa theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp, anh luôn quan tâm các khâu phòng bệnh, chăm sóc như: Chuồng trại làm cao ráo, thông thoáng, tránh gió lùa; cám chăn nuôi lấy trực tiếp của Công ty cổ phần sữa Việt Nam- Vinamilk. Đồng thời bổ sung thêm các loại thức ăn thô; thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống; khử trùng chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; chú trọng khâu vệ sinh trước khi vắt sữa.

     Nhờ làm tốt công tác phòng và chăm sóc đàn bò sữa, nhiều năm nay, gia đình anh là địa chỉ cung cấp sữa bò tin cậy của Công ty cổ phần sữa Việt Nam- Vinamilk. Hiện, bình quân, mỗi ngày, anh cung ứng 2 tạ sữa cho các trạm thu mua, với giá 12-14 nghìn đồng/kg, cho thu 2,4-2,8 triệu đồng. Chưa dám nhận mình là người thành công, nhưng anh cho rằng: “Nếu mình có quyết tâm và chịu khó học hỏi thì dù có khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua. Có thể ý tưởng của mình thất bại ban đầu, nhưng biết đứng dậy theo đuổi đam mê đến cùng, chắc chắn sẽ thành công”.

     Với những nỗ lực, cố gắng không ngừng, những thanh niên "sinh ra từ làng" tiếp tục khẳng định ý chí, nghị lực của tuổi trẻ, xung kích trên mọi mặt trận, hiện thực hóa phong trào "lập thân lập nghiệp" làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

                                                             (Trích Báo Vĩnh Phúc ngày 25/10/2020 - tg: Mai Liên)