Thông báo:

Định hướng tổ chức và hoạt động bộ máy Quyết định hiệu quả của Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước ở địa phương

     Định hướng tổ chức và hoạt động bộ máy Quyết định hiệu quả của Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước ở địa phương

 

                                                                                    Văn Đức Sơn

                                                  Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển và BLTD tỉnh Vĩnh Phúc

 

     Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trên 7 Quỹ được lập từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ,cho vay, đầu tư, bảo lãnh nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh theo chủ trương của địa phương. Thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức bộ máy, cơ quan đơn vị, nhiều nơi gộp các Quỹ này khác nhau, nên rất cần sự trao đổi để có giải pháp tối ưu, cụ thể là Quỹ bảo lãnh và Quỹ đầu tư phát triển.

     Chức năng Quỹ bảo lãnh tín dụng là cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Quỹ đầu tư phát triển là đầu tư tài chính và đầu tư phát triển (gồm: Huy động vốn; đầu tư trực tiếp vào các dự án; cho vay đầu tư; góp vốn thành lập doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ủy thác cho vay đầu tư, thu hồi nợ; nhận ủy thác quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư, thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của UBND cấp tỉnh. )Như vậy, chức năng 2 quỹ khác nhau, nhưng mục đích và nguyên tắc, phương thức hoạt động có nhiều điểm chung như: Không vì mục tiêu lợi nhuận, tự chủ tài chính, phải bảo toàn và phát triển vốn; bộ máy hoạt động ngân sách không cấp kinh phí; hoạt động tài chính, kế toán, kiểm toán và báo cáo nhiều nội dung tương đồng từ lập kế hoạch, quản lý sử dụng vốn, phân phối kết quả tài chính,…

     Thực tế, mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ đầu tư phát triển của các tỉnh, thành phố rất khác nhau: có nơi gộp Quỹ đầu tư phát triển với Quỹ đầu tư phát triển đất; có nơi Quỹ bảo lãnh tín dụng với Quỹ đầu tư phát triển đất; có nơi Quỹ đầu tư phát triển với Quỹ bảo lãnh; có nơi nhiều Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giao cho một bộ máy tổ chức điều hành. Chức năng nhiệm vụ của quỹ được phát huy ở một số nơi rất khác nhau, địa phương nào được tỉnh quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo về đầu tư trực tiếp dự án hoặc vay đầu tư hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, vốn điều lệ thì hiệu quả hoạt động của Quỹ được nổi bật.

     Mô hình tổ chức của Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ đầu tư phát triển có nơi thực hiện nhận ủy thác; có nơi gộp hai quỹ vào một cơ quan và hoạt động hạch toán độc lập; có nơi chưa tách được hạch toán. Về nội dung, có địa phương hoạt động bảo lãnh gồm dự thầu, tạm ứng vốn, thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tín dụng; có nơi chỉ bảo lãnh tín dụng. Quỹ đầu tư phát triển có nhiều chức năng nhưng đa số chỉ tập trung vào cho vay đầu tư, một số nơi đầu tư trực tiếp, ủy thác và nhận ủy thác.

     Có địa phương giao Quỹ bảo lãnh đảm nhận từ bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, tạm ứng vốn đến bảo lãnh tín dụng đã có lợi thế: Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện các bảo lãnh ở quỹ; tạo thêm hoạt động giúp quỹ theo dõi, giám sát quá trình giao vốn bảo lãnh tín dụng trong quá trình thực hiện hợp đồng và tạm ứng vốn; giúp cán bộ theo dõi, quản lý khách hàng bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn thông qua bảo lãnh tạm ứng vốn và thực hiện hợp đồng. Mô hình tổ chức của hai quỹ xây dựng theo hướng hoạt động kiêm nhiệm: Chủ tịch, Kiểm soát viên, Giám đốc, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh là Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ, Trưởng ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc Quỹ đầu tư phát triển; các phòng chuyên môn giúp việc thành lập trên cơ chức năng nhiệm vụ, nguồn vốn hoạt động của từng Quỹ, trong đó phòng kế toán, hành chính tổng hợp đảm nhiệm chung, nhưng hạch toán độc lập từng loại quỹ, phân bổ chi phí hoạt động chung các quỹ theo kết quả tài chính hàng năm của từng quỹ. Được như vậy là vận dụng linh hoạt quy định “Căn cứ tình hình thực tế tại từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn phương thức tổ chức, hoạt động Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương và nội dung văn bản ủy thác theo quy định, cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định ” tại khoản 3 điều 14 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của chỉnh phủ; đồng thời là hình thức vận dụng chủ trương của Đảng, một cơ quan thực hiện nhiều việc có chức năng nhiệm vụ tương đồng, một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính tại Nghị quyết số 18/NQ-TWcủa Ban chấp hành trung ương khóa XII vể một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện như vậy, bộ máy tinh gọn, mỗi Quỹ vẫn có bộ máy tổ chức quản lý điều hành mang tính độc lập (Quỹ có cán bộ, nhân viên hoạt động mang tính chuyên môn hóa).

     Thực tế trên cho thấy, nơi nào tỉnh quan tâm định hướng chỉ đạo thì tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng được khẳng định. Đó là một trong những yếu tố quyết định để Quỹ hoạt động chất lượng và hiệu quả.

Ý kiến trao đổi

Các tin khác