Thông báo:

Các quy định trong đầu tư trực tiếp

Ngày đăng: 23/05/2019, số lượt xem: 243

      1. Đối tượng đầu tư trực tiếp:

     Các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc đã được HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh ban hành theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP (có Danh mục kèm theo, tải về tại đây).

     2. Điều kiện đầu tư

     - Dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật. - Dự án đầu tư phải có hiệu quả và có khả năng thu hồi vốn trực tiếp hoặc được UBND tỉnh cấp bù vốn.

     3. Phương thức đầu tư Quỹ có thể lựa chọn các phương thức đầu tư sau đây:

     a) Quỹ có thể thực hiện đầu tư với tư cách là chủ đầu tư. Quỹ có thể kêu gọi các tổ chức khác góp vốn cùng tham gia đầu tư, các bên tham gia góp vốn chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

     b) Quỹ có thể tham gia góp vốn với các tổ chức khác để đầu tư.

     c) Quỹ có thể trực tiếp quản lý dự án đầu tư hoặc thuê các tổ chức chuyên môn quản lý dự án theo quy định của pháp luật.

     4. Hình thức đầu tư:

     Tùy từng điều kiện cụ thể, Quỹ lựa chọn các hình thức đầu tư sau:

     a) Đầu tư theo các hình thức:

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC);

- Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT);

- Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO);

- Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT);

- Và các hình thức đầu tư trực tiếp khác theo quy định của pháp luật đầu tư.

     b) Tìm kiếm dự án, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư sau đó thực hiện đầu tư hoặc chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác thực hiện đầu tư.

     5. Giới hạn đầu tư trực tiếp

     - Giới hạn đầu tư trực tiếp vào các dự án tối đa bằng 50% vốn chủ sở hữu của Quỹ (phần vốn cho hoạt động đầu tư phát triển) tại thời điểm thực hiện.

     -Trường hợp Quỹ thực hiện đồng thời đầu tư trực tiếp và cho vay đối với một dự án thì tổng giới hạn đầu tư trực tiếp và cho vay không được vượt quá 30% vốn chủ sở hữu của Quỹ tại thời điểm thực hiện. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế có quy định về giới hạn đầu tư trực tiếp khác với quy định này thì thực hiện theo các quy định tại thỏa thuận đã ký kết với nhà tài trợ.

     6. Lựa chọn dự án và đối tác đầu tư

     a) Cơ sở lựa chọn dự án đầu tư:

     - Tuân thủ chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, trọng điểm của tỉnh;

     - Tuân thủ các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan tới việc đầu tư trực tiếp vào các dự án.

     - Báo cáo khả thi của dự án mà Quỹ tham gia góp vốn đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; tính hiệu quả hoạt động của dự án.

     b) Các yêu cầu đối với dự án đầu tư, gồm các nội dung cụ thể:

     - Cơ sở pháp lý của dự án.

     - Nhu cầu và tính cần thiết đầu tư của dự án.

     - Quy mô đầu tư: Diện tích xây dựng; các hạng mục công trình; địa điểm xây dựng công trình và nhu cầu sử dụng đất; hạ tầng kỹ thuật; phương tiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có); các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh quốc phòng (tùy đặc thù từng dự án cho phù hợp).

     - Xác định tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện thu hồi vốn của dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư.

     - Các yếu tố rủi ro tiềm ẩn của dự án và các yếu tốc khác có liên quan.

     c) Lựa chọn đối tác đầu tư

     - Là các tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

     - Có giấy chứng nhận hoạt động đối với lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với mục tiêu của dự án.

     - Tùy từng dự án, thời điểm để lựa chọn các đối tác phù hợp. Ưu tiên các đối tác có uy tín trên thị trường, có khả năng tổ chức quản trị doanh nghiệp.

     - Có tình hình tài chính lành mạnh (đối với doanh nghiệp phải có ít nhất 2 năm gần nhất liên tiếp có lãi) và có khả năng trong việc huy động vốn để triển khai dự án đúng tiến độ.