Thông báo:

Nhìn lại 10 năm, bảo lãnh tín dụng cho khách hàng vận tải thủy nội địa

Ngày đăng: 17/05/2019, số lượt xem: 285
Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2007 (tiền thân của Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng Vĩnh Phúc hiện nay).

     Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2007 (tiền thân của Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng Vĩnh Phúc hiện nay). Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Nguyên tắc chung bảo lãnh tín dụng là khách hàng không đủ tài sản thế chấp cho khoản vay tại NHTM thì Quỹ BLTD xem xét, thẩm định, đánh giá tính khả thi của phương án sản xuất kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện thì bảo lãnh để NHTM cho vay. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu khách hàng gặp rủi ro không thể trả được nợ thì Quỹ BLTD sẽ dùng vốn của mình để trả thay đồng thời khách hàng nhận lại nợ và trả nợ cho Quỹ. Như vậy, các NHTM sẽ yên tâm cho khách hàng vay vốn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Những con tàu hoạt động hiệu quả nhờ Quỹ bảo lãnh để vay vốn từ Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh

     Tính đến nay, trong số hơn 200 lượt khách hàng Quỹ bảo lãnh, thì đa phần các khách hàng kinh doanh vận tải thủy nội địa được bảo lãnh hoạt động tốt, phát huy hiệu quả từ đồng vốn tín dụng bảo lãnh đem lại hiệu quả thiết thực.

     Nổi lên trong số các khách hàng phát huy tốt đồng vốn tín dụng bảo lãnh, thì các khách hàng trên địa bàn huyện Lập Thạch, Sông Lô đầu tư đóng mới phương tiện thủy nội địa để hoạt động kinh doanh vận tải thủy nội địa. Quỹ đã bảo lãnh cho hơn 30 khách hàng vay vốn tại VPBank- Chi nhánh Vĩnh Phúc, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Lập Thạch – Vĩnh Phúc. Các khách hàng này đều có kinh nghiệm, thị trường, tiềm năng phát triển... về kinh doanh vận tải thủy nội địa, có nhu cầu đầu tư phương tiện thủy nội địa nhưng thiếu vốn. Quỹ bảo lãnh và Ngân hàng Nông nghiệp Lập Thạch, Ngân Hàng VPB Vĩnh Phúc đã phối hợp tiếp sức,khách hàng tiếp cận được vốn vay dài hạn được bảo lãnh tín dụng. Khi có được phương tiện thủy nội địa, khách hàng chịu khó, tâm huyết với nghề, tuyển dụng-tạo nghề –tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, hàng tháng trả lãi, phí bảo lãnh đầy đủ, kịp thời, đa số đến hạn trả nợ đầy đủ; trường hợp khó khăn, các bên đã cùng nhau thương thảo, tháo gỡ giúp doanh nghiệp, vượt qua khó khăn, hoàn trả gốc và lãi, cơ bản là tốt. Tỷ lệ nợ xấu thấp, hiện nay chỉ có một khách hàng còn nợ ít gốc.

      Thành công đó không phải không có những khó khăn, trở ngại, những giọt mồ hôi của cán bộ tín dụng, cán bộ bảo lãnh và khách hàng, khó khăn từ cơ chế chính sách, ngành nghề mới tiếp cận, thị trường không ổn định và lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ nợ của khách hàng, dẫn đến nợ quá hạn kéo theo. Với kinh nghiệm, bản lĩnh nghề nghiệp và lòng tin chiến thắng, Quỹ - Ngân hàng - Khách hàng đã phối hợp tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ theo chủ trương giải pháp tháo gỡ khó khăn hoạt động tín dụng theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước. Và kết quả ngoài mong đợi, khách hàng đã trả hết nợ vay được bảo lãnh, phát triển kinh tế gia đình, tạo nghề, việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả đó là minh chứng sống cho vai trò, hiệu quả thiết thực của hoạt động bảo lãnh tín dụng đứng cạnh Ngân hàng thương mại, đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng. Một nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng không vì mục tiêu lợi nhuận không những đóng góp sự an toàn tín dụng cho Ngân hàng mà còn đóng góp trực tiếp cho khách hàng được bảo lãnh tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

     Hơn mười năm nhìn lại một chặng đường tuy không dài nhưng đủ để thấy được bên cạnh khó khăn, tồn tại cần khắc phục là vai trò hiệu quả thiết thực của bảo lãnh tín dụng. Hiện nay Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung bổ sung, hoàn thiện, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bảo lãnh; ngày 28/12/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 45/2018TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng. Để phát huy hiệu quả hoạt động bảo lãnh tín dụng, rất cần sự chung tay, tiếp sức của các cấp, các ngành, sự vào cuộc thực sự của hệ thống Ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng an toàn có bảo lãnh, Quỹ bảo lãnh cùng Ngân hàng thương mại tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của khách hàng phát triển, góp phần vào sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14/01/2013 của Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, là góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh./.

 Nguyễn Vĩnh Long - Phó trưởng Phòng BLTD