Thông báo:

“Cứu cánh” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày đăng: 06/05/2020, số lượt xem: 146
Những năm qua, Vĩnh Phúc có nhiều cơ chế, chính sách trợ giúp doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng phát triển ổn định. Tuy nhiên, nhiều DNNVV trên địa bàn thời gian trước đây vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai và các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Sự ra đời và phát triển của Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh (Quỹ) được coi là “cứu cánh” cho các DNNVV nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

     Với “sứ mệnh” được giao của mình, thời gian qua, Quỹ bảo lãnh tín dụng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV được tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách hiệu quả nhất; từ đó giúp các đơn vị mở rộng quy mô sản xuất, tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động tại các vùng nông thôn. Quỹ luôn chủ động tiếp cận, theo sát tình hình hoạt động của các DN với quyết tâm sẵn sàng đồng hành cùng hội doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ khó khăn về tài chính, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Lý giải tại sao hiện nay vẫn còn tình trạng một số DNNVV trên địa bàn lại khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn, lãnh đạo Quỹ cho hay, điểm mấu chốt của vấn đề mà các DNNVV hay mắc phải là thiếu điều kiện thế chấp; ngoài ra còn thiếu cả sự tin cậy của các tổ chức tín dụng, vì đã là DNNVV thì độ “rủi ro” rất cao. Các DNNVV chỉ được Quỹ xem xét cấp hồ sơ bảo lãnh khi có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và có khả năng hoàn trả vốn cao. Các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh phải được cán bộ của Quỹ trực tiếp thẩm định bảo lãnh theo quy định hiện hành. Ngoài ra, các DN cần phải có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư; phương án sản xuất kinh doanh tại ngay thời điểm Quỹ thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh. Ngay tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, các DN phải không có các khoản nợ thuế từ 1 năm trở lên, không có khoản nợ xấu ở các tổ chức tín dụng; nếu nợ thuế do dịch dã, thiên tai…thì phải có xác nhận của ngành thuế. Bên cạnh đó, phải có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định…Với những quy định chặt chẽ nêu trên, đã có không ít DNNVV trên địa bàn đã phải “quay xe” ngay từ vòng sơ tuyển. “Phần thưởng” cho các DN khi được bảo lãnh tín dụng là được vay vốn tối đa bằng 100% giá trị tài sản bảo đảm (các ngân hàng thương mại chỉ cho vay tối đa 70% giá trị). Hồ sơ, thủ tục liên quan đến bảo lãnh được cán bộ Quỹ hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp được vay khi có dự án, phương án và tài sản đảm bảo. Lãi suất vay vốn và phí bảo lãnh bằng với lãi suất doanh nghiệp vay vốn tại các tôt chức tín dụng khác không được bảo lãnh. Đối với những DNNVV đã được xét bảo lãnh tín dụng nếu trong thời gian hoạt động gặp nhiều khó khăn đến mức “sắp chìm” do yếu tố khách quan mang lại, Quỹ sẽ linh động xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm lãi xuất cho vay. Chủ động phối hợp tốt với các ngân hàng thương mại “giúp đỡ” các DN được Quỹ bão lãnh tín dụng.

     Theo số liệu thống kê hết quý I/2020 tổng số vốn ký hợp đồng tín dụng cho vay của Quỹ hiện nay đạt trên 136 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho vay đạt 100 tỷ đồng và trong quý II/2020 sẽ giải ngân hết số vốn đã ký hợp đồng tín dụng. Quỹ đã vận động được 2 doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, khu đô thị tham gia cùng Quỹ đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp; đã có 40 doanh nghiệp đến với Quỹ... Đã có nhiều DNNVV trên địa bàn ổn định sản xuất kinh doanh nhờ được Quỹ bảo lãnh tín dụng như: Công ty Cổ phần vận tải ô tô Vĩnh Phúc, Công ty TNHH XD Trường An Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần đầu tư Phú Minh, Công ty Cổ phần A&T, Công ty TNHH Sản xuất và chế biến lâm sản HT Com, Công ty TNHH TM và XD Bến Thành, Công ty TNHH XD Sông Thao. Lãnh đạo Công ty TNHH Sản xuất và chế biến lâm sản HT Com, xã Đạo Tú (Tam Dương) cho biết: “Chính thức đi vào hoạt động năm 2016, công ty chuyên sản xuất ván ép công nghiệp.

      Thời gian mới đi vào hoạt động, đơn vị gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Được sự trợ giúp của Quỹ bảo lãnh tín dụng, chúng tôi mới có cơ hội mở rộng nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Hiện nay, công ty có 30 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Quy mô, số lượng sản xuất của công ty khoảng 50.000m2/năm. Các dòng sản phẩm chủ yếu xuất khẩu ra thị trường Hàn Quốc, Singapore. Đang sản xuất ổn định là vậy, có ai đâu ngờ đại dịch Covid – 19 ập tới, cũng như nhiều DN khác, công ty đang gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian này. Được sự động viên của lãnh đạo Quỹ cũng như sự phối hợp tháo gỡ khó khăn cho DN như: Điều chỉnh phương án trả nợ, giảm lãi suất…Hy vọng rằng, khi đại dịch qua đi, DN sẽ nhanh chóng phục hồi sản xuất, sớm phát triển trở lại”.

      Thời gian tới, để Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nữa sự kỳ vọng của DN, ngành chức năng cần có chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, đẩy mạnh tiềm lực tài chính, uy tín cho quỹ bảo lãnh tín dụng; nâng cao trình độ đội ngũ làm công tác bảo lãnh tín dụng, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

                                                                        Nguồn tác giả Thành Nam - Báo Vĩnh Phúc