Thông báo:

Nợ xấu ngân hàng và cuộc chiến chống rủi ro tín dụng

Ngày đăng: 31/07/2019, số lượt xem: 143
Nợ xấu được hiểu một cách đơn giản nhất là một khoản cho vay khó thu hồi; hoặc không có khả năng thu hồi; hoặc nợ khó trả, nợ không có khả năng chi trả. Với các ngân hàng và tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ thì nợ xấu là "cơn ác mộng" trong quá trình hoạt động của đơn vị. Nó hoàn toàn có thể tác động tiêu cực đến khả năng phát triển của đơn vị, thậm chí là nguyên nhân dẫn đến phá sản, hoặc đẩy các tập thể, cá nhân liên quan vào vòng lao lý.

     Trên phạm vi toàn quốc, nợ xấu chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng dư nợ của nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng. Điều này khiến nhiều đơn vị phải rất chật vật tìm mọi cách xử lý, hạn chế rủi ro làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả SXKD. Riêng tại Vĩnh Phúc, nhiều năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn luôn ở mức dưới 3% (mức an toàn). Nợ xấu thấp góp phần cải thiện tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng, nhằm hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

     Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Vĩnh Phúc, nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc Hội về vấn đề xử lý nợ xấu thì trên địa bàn tỉnh ta, các món nợ xấu thuộc về các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá nhân, chiếm trên 90%. Chính vì vậy, việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng gặp khá nhiều khó khăn do hầu hết các khách hàng nợ xấu đều rất khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh cầm chừng hoặc không còn hoạt động dẫn đến không có nguồn thu thường xuyên để trả nợ cho ngân hàng; một số trường hợp khách hàng không còn ở nơi cư trú, có biểu hiện chây ì, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, chủ tài sản không hợp tác hoặc hợp đồng thế chấp tài sản yếu về pháp lý, tài sản có tính thanh khoản kém, giá trị bị sụt giảm mạnh, khó phát mại…

     Quán triệt Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước quyết tâm triển khai hàng loạt các giải pháp cơ bản và đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, hạn chế gia tăng nợ xấu ở các tổ chức tín dụng. Nhờ vậy, sau 2 năm thực hiện (từ tháng 8/2017 đến nay), việc giải quyết nợ xấu trên địa bàn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ với số tiền thu được từ nợ xấu lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Số tiền thu hồi được từ nợ xấu tăng hàng chục lần so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42.

 

    Để có được những kết quả mang tính đột phá này, theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc: Nghị quyết 42 ra đời thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đồng bộ thực hiện đẩy mạnh thu hồi nợ xấu để làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Trên cơ sở tham mưu của NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp và giao cho NHNN tỉnh làm đầu mối phối hợp tổ chức triển khai thực hiện.

     NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết 42 trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các hội nghị. Cụ thể là trực tiếp trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cử bộ phận chuyên môn viết bài tuyên truyền trên Báo Vĩnh Phúc; mời đại diện của Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và đại diện Ban Nội chính tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến giới thiệu về Nghị quyết 42 do NHNN Việt Nam tổ chức… Qua đó tuyên truyền cho các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, cũng như các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình với tổ chức tín dụng cho vay vốn để thực hiện theo đúng quy định. NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 7800 về “Thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

     Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình giải quyết, xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tập trung chủ yếu xung quanh vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, như việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, hay việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án cũng như việc bàn giao tài sản sau khi đấu giá… Thực tế cho thấy, để phát huy được mặt mạnh, khắc phục hạn chế trong quá trình xử lý nợ xấu, đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt và kịp thời hơn nữa. Cụ thể, chỉ với các chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu tại các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42 là chưa đủ. Công tác xử lý nợ xấu trên địa bàn cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng sẽ được đẩy mạnh và có triển vọng đạt được kết quả khả quan hơn nếu có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bởi, khách quan mà nói, một số cơ quan, đơn vị, ngành nghề khác không có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 hoặc có nhưng chưa cụ thể, rất khó thực hiện trong thực tế, do đó việc triển khai trên địa bàn còn chưa thực sự hiệu quả do các sở, ngành liên quan còn chờ chỉ đạo của bộ, ngành quản lý...

     Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh luôn ở mức dưới 3%

                                                  (Trích nguồn Quang Nam – Báo Vĩnh Phúc)