Thông báo:

Nhìn lại tiến triển của Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc

Ngày đăng: 21/05/2019, số lượt xem: 861

     Hơn 12 năm hình thành và phát triển từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng được tỉnh thảnh lập năm 2007, với nhiều khó khăn,và thách thức, Quỹ ĐTPT và BLTD (Quỹ) đã có những cố gắng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong nghiệp vụ chuyên môn; đối mặt, giải quyết triệt để những vấn đề tranh chấp, có ý kiến khác nhau, tạo nên những năm thăng trầm, từng bước đưa Quỹ vào ổn định và phát triển, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng.

     Ngày 11/05/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1368/QĐ-CT thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhiệm vụ: Bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Năm đầu thành lập trong 6 tháng đã tập trung tổ chức,sắp xếp bộ máy, xây dựng hệ thống văn bản, quy định để thực hiện nhiệm vụ nên mới bảo lãnh 1 doanh nghiệp vay vốn 500 triệu đồng ở 1 lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Năm 2008 đã đạt 29 doanh nghiệp, khách hàng vay vốn hơn 49 tỷ đồng. Từ năm 2008 đến 2012 bình quân mỗi năm bảo lãnh 75 doanh nghiệp vay vốn trên 158 tỷ đồng ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Doanh nghiệp, khách hàng vay vốn tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ rất đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp,tiểu thủ công nghiệp, kết cấu hạ tầng, vận tải… Kết quả tài chính hàng năm khá cao (tốc độ tăng doanh thu bình quân 163%). Năm 2007doanh thu 1,567 tỷ, năm 2008 doanh thu 6,556 tỷ đến năm 2012 là 15,272 tỷ. Chênh lệch thu chi hàng năm tương đối ổn định (bình quân mỗi năm trên 2 tỷ đồng). Đời sống cán bộ, nhân viên những năm đầu tương đối khá và cao hơn so với các tổ chức tín dụng và công chức viên chức địa phương.

(Tập thể cán bộ, nhân viên gặp mặt nhân kỷ niệm 65 Giải phóng Điện Biên và chào mừng ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và Quốc tế Lao động 01/5)

     Đến năm 2012, UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ ĐTPT và BLTD trên cơ sở kế thừa và chuyển nguyên tài sản, trang thiết bị và bộ máy điều hành của Quỹ BLTD cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc (Quyết định số 2728/ QĐ-UBND). Từ năm 2013 đến khi có Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của chính phủ Quỹ được bổ sung vốn điều lệ 4 lần (đến năm 2013 vốn điều lệ ngấn sách cấp là 90 tỷ; năm 2016 bổ sung 30 tỷ; năm 2017 bổ sung 30 tỷ; năm 2018 bổ sung 20 tỷ; năm 2019 bổ sung 15 tỷ) Đến nay vốn điều lệ được Ngân sách cấp là 185 tỷ đồng. Bộ máy tổ chức được tăng cường (Cán bộ, nhân viên từ 11 người năm 2007 đến năm 2019 tăng 17 người). Số phòng chuyên môn từ 3 phòng lên 4 phòng năm 2016 và 5 phòng năm 2018. Song trong hoạt động còn gặp những khó khăn: hoạt động bảo lãnh đối tượng bị thu hẹp ( do Quyết định 58/2013/QĐ-CP của Thủ tướng chính phủ thay Quyết định 193/2001/QĐ-TTg). Các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh không được bảo lãnh; tài sản đảm bảo để bảo lãnh bó hẹp (chỉ được sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình). Chức năng nhiệm vụ của Quỹ đầu tư phát triển theo Nghị định 138/2007/NĐ-CP một số nội dung (sửa đổi, bổ sung) bằng Nghị định 37/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong khi đó Quỹ mới ra đời được vài tháng. Do vậy, hoạt động bảo lãnh chững lại; khách hàng không mở rộng, chủ yếu là khách hàng đang thực hiện bảo lãnh từ trước năm 2013. Số vốn vay bảo lãnh giảm dần. Năm 2013 là 39 tỷ. Đến năm 2017 còn 0,816 tỷ. Với nhiệm vụ của Quỹ ĐTPT từ 2013 đến 2018 chủ yếu là thực hiện cho vay đầu tư; năm 2016 triển khai xúc tiến, hợp đồng hợp tác đầu tư được 1 doanh nghiệp, đến năm 2018 có 2 dự án hợp tác đầu tư với tổng số vốn quỹ hợp tác gần 16 tỷ. Trong 6 năm hoạt động, doanh số cho vay đầu tư hàng năm trên 50 tỷ. Số lượt khách hàng cho vay trên 60 lượt, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng (đường, trường, điện), sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Kết quả doanh thu năm sau cao hơn năm trước (bình quân tăng 15,85%) năm 2013 là 6,2 tỷ, đến năm 2018 là trên 10.6 tỷ. Chênh lệch thu chi năm 2018 trên 3,1 tỷ.

     Có thể khẳng định rằng, Quỹ ĐTPT và BLTD tỉnh Vĩnh Phúc ra đời và phát triển hơn 12 năm qua đã tạo thêm một kênh huy động vốn, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn được tiếp cận, vay vốn ở các tổ chức tín dụng trên địa bàn; tạo công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên trong hoạt động còn có hạn chế: Hoạt động bảo lãnh tín dụng rủi ro còn cao; đối tượng đầu tư và cho vay đầu tư còn bó hẹp, huy động vốn còn khiêm tốn…

     Trong thời gian tới, triển khai thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP của chính phủ, được tỉnh quan tâm chỉ đạo, bổ sung nội dung hoạt động và vốn từ ngân sách tỉnh, tin rằng những hạn chế của Quỹ sẽ sớm được khắc phục, nhiệm vụ của Quỹ được phát huy hơn nữa./.

Ban Biên tập