Thông báo:

Giải pháp để khởi động hoạt động Bảo lãnh

Ngày đăng: 29/05/2019, số lượt xem: 325
Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc ra đời từ năm 2007, hơn 5 năm đầu hoạt động đã đạt được kết quả tích cực: Bảo lãnh được gần 200 lượt khách hàng với số dư bảo lãnh trên 400 tỷ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Khi Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay Quyết định 193/2001/QĐ-TTg , đối tượng bảo lãnh bị thu hẹp, khách hang chỉ được sử dụng tài sản thuộc sở hũu của mình để làm tài sản bảo đảm….

nên từ năm 2013 thành lập Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng đến nay,hoạt động bảo lãnh không mở rộng, tập trung thu hồi nợ vay bắt buộc. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ Quỹ bảo lãnh tín dụng giảm. Nay Chính phủ ban hành nghị định 34/2018/NĐ-CP, đòi hỏi Quỹ tập trung vào cuộc, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp vay vốn khi có phương án sản xuất theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí: Văn Đức Sơn – Chủ trì hội nghị của cơ quan

     Giai đoạn từ năm 2007 đến 2012, Quỹ Bảo lãnh hoạt động theo Quyết định 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng bảo lãnh được mở rộng; có thể khảng định, đây là thời kì hoàng kim, kết quả hoạt động đã tăng được vốn chủ sở hữu, giúp gần 200 lượt doanh nghiệp có vốn hoạt động; Song cũng còn có những khó khăn, hạn chế như: Tính rủi ro cao; tài sản đảm bảo khó khăn, nhất là khi Quyết định 58/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thay Quyết định 193/2001/QĐ-Ttg, đối tượng bảo lãnh chỉ còn doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài sản bảo đảm vay vốn là của doanh nghiệp (không có tài sản của bên thứ 3 bảo đảm) nên hoạt động bảo lãnh bị chững lại và giảm dần.

     Ngày 08/03/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Quyết định 58/2013/QĐ-Ttg, đã khắc phục được những mặt hạn chế. Một số tỉnh, thành đã xây dựng hệ thống văn bản để đưa Nghị định 34/2018/NĐ-CP vào cuộc sống. Theo quy định, địa phương phải sửa đổi, bổ sung toàn bộ hệ thống văn bản với 19 nội dung từ trình tự, thủ tục, đến điều lệ tổ chức và hoạt động; Danh mục lĩnh vực bảo lãnh; và chậm nhất là sau 3 năm các địa phương có Qũy Bảo lãnh tín dụng phải tổ chức thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP.

     Để Quỹ Bảo lãnh tiếp tục hoạt động, đem lại hiệu quả thiết thực giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo định hướng của tỉnh, ngay từ đầu năm 2019, Quỹ đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh đã chủ động đề ra 5 giải pháp cụ thể:

     Một là: Chủ động tổ chức hội nghị lựa chọn phương án, tham mưu thực hiện Nghị định 34/2018/NĐ-CP; phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo hệ thống các văn bản trình cấp có thẩm quyền (UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quỹ) để làm cơ sở thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh đang xem xét, quyết định.

     Hai là: Tăng cường mối quan hệ phối hợp với Quỹ Bảo lãnh ở các tỉnh thành trên cả nước; tổ chức Đoàn học tập kinh nghiệm để chọn giải pháp thực hiện Bảo lãnh thực sự thiết thực. Đến nay, Quỹ đã trao đổi làm việc với các Quỹ của tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái; để tham mưu tỉnh quyết phương án tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh.

     Ba là: Xây dựng hệ thống thông tin tuyên truyền, hướng dẫn giúp doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm tiếp cận, thực hiện vay vốn của các tổ chức tín dụng thương mại trên địa bàn tỉnh thông qua Quỹ Bảo lãnh. Đến nay, Quỹ đã phối hợp chặt chẽ với phương tiện thông tin địa phương như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, cổng thông tin giao diện điện tử tỉnh. Thành lập trang website của Quỹ; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp Quỹ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để doanh nghiệp, khách hàng quan tâm đến với Quỹ.

     Bốn là: Trong khi chờ hệ thống văn bản thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Giám đốc Quỹ vận dụng linh hoạt quy định hiện hành về trình tự, thủ tục, hồ sơ để thực hiện hoạt động bảo lãnh khi tỉnh chưa thay đổi. Những nội dung, thủ tục hiện hành của tỉnh quy định chưa phù hợp thì điều chỉnh, thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP.

     Năm là: Quỹ tổ chức hội nghị lựa chọn các tổ chức tín dụng thương mại có cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để phối hợp thực hiện bảo lãnh như: Thống nhất ổn định lãi suất vay cho doanh nghiệp được bảo lãnh, trong đó quy định rõ lãi vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; lãi suất cho vay doanh nghiệp được bảo lãnh và phí bảo lãnh bằng với lãi suất tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp không được bảo lãnh.

     Ban Giám đốc Quỹ lập kế hoạch phấn đấu năm 2019 bình quân ít nhất mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có ít nhất một doanh nghiệp được bảo lãnh tại Quỹ Đầu tư để vay vốn. Phương thức để đạt được: Quỹ phát động phong trào trong toàn cơ quan, mỗi cán bộ, nhân viên giới thiệu ít nhất một doanh nghiệp vay vốn thông qua bảo lãnh tại Quỹ; giao cán bộ, nhân viên phòng Bảo lãnh giới thiệu và đảm bảo được ít nhất một khách hàng thực hiện bảo lãnh tại Quỹ; người đứng đầu cơ quan gương mẫu thực hiện trước; lấy kết quả thực hiện trong năm làm một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá xếp loại cán bộ nhân viên. Đến nay, đã có trên 10 cán bộ, nhân viên giới thiệu được doanh nghiệp khó khăn về vốn đến với Quỹ Bảo lãnh để vay tại Ngân hàng Nông nghiệp số 2, trong đó có 3 doanh nghiệp đang làm thủ tục để vay trong tháng 5/2019.

     Với sự vào cuộc của tập thể, cán bộ, nhân viên Quỹ ĐTPT và BLTD tỉnh, được các tổ chức tín dụng phối hợp, chia sẻ, tin rằng hoạt động Bảo lãnh của Quỹ năm 2019 sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ./.

Văn Đức Sơn                      
Giám đốc Quỹ ĐTPT & BLTD tỉnh Vĩnh Phúc