Thông báo:

Hiệu quả từ nguồn vốn vay đầu tư phát triển

Ngày đăng: 17/05/2019, số lượt xem: 449
Với mục đích hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế ưu tiên của tỉnh và các khu vực khó khăn cần khuyến khích đầu tư,

những năm qua, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn mở rộng đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công cho các công trình góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của tỉnh. Khách hàng được cán bộ Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng hướng dẫn thủ tục trong quá trình vay vốn. Ảnh Chu Kiều Được biết, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh (Quỹ Đầu tư phát triển) được thành lập năm 2012, trên cơ sở nâng cấp, phát triển từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Trích nguồn tin từ Báo Vĩnh Phúc Thứ Sáu, 12/05/2017)

     Với mục đích hỗ trợ các dự án đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế thuộc một số ngành, lĩnh vực, chương trình kinh tế ưu tiên của tỉnh và các khu vực khó khăn cần khuyến khích đầu tư, những năm qua, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn mở rộng đầu tư, đảm bảo tiến độ thi công cho các công trình góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khách hàng được cán bộ Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng hướng dẫn thủ tục trong quá trình vay vốn. Ảnh Chu Kiều

     Được biết, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng tỉnh (Quỹ Đầu tư phát triển) được thành lập năm 2012, trên cơ sở nâng cấp, phát triển từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách xã hội, thực hiện tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.

     Mặc dù mới đi vào hoạt động, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, nhưng thời gian qua, nguồn vốn vay tại Quỹ Đầu tư phát triển đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành các dự án đúng theo tiến độ đề ra. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển XD Tiến Mạnh, xã Hợp Thịnh (Tam Dương) cho biết: Là một trong những đơn vị chuyên nhận thi công các công trình xây dựng, đặc biệt các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, nếu không có sự hỗ trợ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng cũng như Quỹ Đầu tư phát triển thì chúng tôi khó có thể thực hiện đúng kế hoạch theo hợp đồng. Lần đầu tiếp cận với Quỹ Đầu tư phát triển cho dự án công trình Chợ Me (Tam Dương), chúng tôi đã được hỗ trợ vay vốn 5 tỷ đồng để xây dựng dự án. Ấn tượng đầu tiên để lại trong tôi trong lần đầu làm việc tại Quỹ đó là: Nhân viên nhiệt tình, chu đáo, thủ tục vay vốn đơn giản, được giải quyết nhanh chóng và lãi suất ổn định. Nhờ nguồn vốn đó đã góp phần giúp công ty hoàn thành công trình Chợ Me theo đúng tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao lưu, buôn bán góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

     Ông Phạm Văn Nguyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần A&T, phường Đồng Tâm (thành phố Vĩnh Yên) cho biết: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung, tháng 9/2015, công ty đã đầu tư 1 dây chuyền sản xuất gạch không nung. Nhờ nguốn vốn vay tại Quỹ Đầu tư phát triển, năm 2016, chúng tôi đã đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất. Với 2 dây chuyền sản xuất trên, công ty đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn vốn vay tại Quỹ đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết 1 phần vốn đầu tư dây chuyền công nghệ, đồng thời mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

     Tuy nhiên, với đặc thù riêng, Quỹ Đầu tư phát triển chỉ xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện như: Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và phương án bảo đảm trả được nợ. Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam. Khách hàng là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối với khách hàng là nhà thầu ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện nêu trên thì còn phải là nhà thầu của các dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, khách hàng vay vốn phải thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Quỹ.

     Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Tổng hợp và Kế hoạch đầu tư, Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho biết: Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, trong thời gian tới, Quỹ sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá các nội dung hoạt động của Quỹ đến mọi đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau. Tích cực đôn đốc khách hàng thực hiện nghiêm chỉnh các hợp đồng cấp bảo lãnh tín dụng và các cam kết có liên quan. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, chủ động tìm kiếm các giải pháp có hiệu quả. Tăng cường công tác thẩm định dự án, coi trọng việc phân tích khách hàng, kiên quyết chỉ đầu tư và cho vay đối với các dự án khả thi, có hiệu quả. Đối với các dự án đầu tư thực hiện nghiêm túc việc lập hồ sơ xét duyệt cho vay, thẩm định dự án, phân tích, phát hiện rủi ro tiềm ẩn, loại trừ dự án kém hiệu quả và thực hiện các bước kiểm tra, giám sát, đảm bảo cho mỗi khoản vay. Đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời nếu có vấn đề phát sinh, đôn đốc khách hàng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định. Đồng thời, chủ động tìm kiếm, khai thác các kênh sử dụng vốn hiệu quả phù hợp để định hướng đầu tư, định hướng hoạt động, định hướng chính sách của Quỹ theo hướng thiết thực, an toàn và hiệu quả. Tập trung nghiên cứu, lựa chọn những lĩnh vực dự án cần đầu tư phát triển, trong khả năng nguồn vốn điều lệ cho phép và tập trung chủ yếu vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư phương thức đầu tư, thông qua đó để kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho tỉnh từ các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư.

     Với những giải pháp thiết thực, đồng bộ như trên, hy vọng rằng, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Hồng Tính