Thông báo:

THU HỒI NỢ VAY BẮT BUỘC – CHẶNG ĐƯỜNG DÀI GẦN TỚI ĐÍCH

Ngày đăng: 10/02/2023, số lượt xem: 126

     Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc có tiền thân là Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2007, tại thời điểm thành lập Quỹ chỉ có duy nhất một hoạt động là bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Năm 2012 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Phúc được phát triển thành Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc với đa dạng hơn hoạt động, tuy nhiên hoạt động bảo lãnh tín dụng vẫn giữ vai trò quan trọng và tích cực, là cầu nối giúp các doanh nghiệp yếu thế, khởi nghiệp, có những khó khăn về tài chính… được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

 
Hình ảnh Quỹ những ngày mới hoạt động  

     Theo số liệu thống kê, từ khi thành lập Quỹ cho đến nay, hoạt động bảo lãnh tín dụng đã bảo lãnh tín dụng cho khoảng 200 lượt khách hàng với doanh số bảo lãnh tín dụng đạt hơn 700 tỷ đồng, sự phát triển trong hoạt động bảo lãnh tín dụng đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét, được Bộ Tài chính đánh giá cao, được nhiều Quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương đến học tập mô hình, kinh nghiệm hoạt động.

     Tuy nhiên, xét trong lĩnh vực tài chính – tín dụng nói chung thì hoạt động bảo lãnh tín dụng của Quỹ là hoạt động gặp nhiều rủi ro do đối tượng khách hàng của Quỹ theo quy định thường đa phần không đáp ứng được các yêu cầu để được vay vốn tại ngân hàng (về quy mô, năng lực sản xuất kinh doanh, mức độ đảm bảo của tài sản…), chính vì vậy xuyên suốt trong quá trình hoạt động, các quy định của pháp luật đều xác định hoạt động bảo lãnh tín dụng là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn.

      Mặc dù đã bám sát và áp dụng đúng các quy định trong việc cấp bảo lãnh tín dụng nhưng vẫn phát sinh một số khoản nợ vay bắt buộc, theo số liệu ghi nhận, tổng số tiền Quỹ phải trả nợ thay từ khi thành lập đến nay là 54 tỷ đồng, phát sinh nhiều nhất vào giai đoạn 2010 – 2012 với tổng số tiền phải trả nợ thay là gần 41 tỷ đồng. Đây là giai đoạn bất ổn nhất của nền kinh tế chung của cả nước kéo theo hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, mức lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng có nơi đến 23%/năm đẩy doanh nghiệp đến tình trạng điêu đứng, vỡ phương án tài chính… đẫn đến Quỹ phải trả nợ thay.

 
Hình ảnh một tài sản kê biên thi hành án  

     Đứng trước những khó khăn thách thức, bên cạnh mục tiêu phải phải duy trì hoạt động bảo lãnh tín dụng để tiếp tục giúp đỡ doanh nghiệp, nhiệm vụ nặng nề không kém là thu hồi các khoản trả nợ thay, các khoản nợ vay bắt buộc để bảo toàn vốn vì đa phần các doanh nghiệp có nợ vay bắt buộc đều trong tình trạng ngừng hoạt động, tài sản bảo đảm giảm sút giá trị, chủ doanh nghiệp chán nản, trốn tránh không hợp tác… Ban Giám đốc Quỹ đã chỉ đạo sát sao phòng Nghiệp vụ (nay là phòng Bảo lãnh tín dụng) đã đề ra nhiều giải pháp thu hồi nợ, kết quả tính đến hết năm 2022 đã thu được khoảng 45/54 tỷ tiền gốc và gần 3 tỷ tiền nợ lãi nợ vay bắt buộc, dư nợ vay bắt buộc giảm xuống từ 54 tỷ đồng còn 09 tỷ đồng (giảm 84% - một con số đáng khích lệ).

 
Phối hợp với cơ quan chức năng kê biên tài sản thi hành án  

      Theo kế hoạch năm 2023 mà phòng Bảo lãnh tín dụng xây dựng, kế hoạch thu hồi nợ vay bắt buộc năm 2023 là khoảng 3 tỷ đồng. Kế hoạch được xây dựng dựa trên tình hình thực tế, tính chất của từng hồ sơ, vụ việc. Đối với những hồ sơ, vụ việc có tính chất phức tạp được giao cho cán bộ có năng lực, kinh nghiệm theo dõi quản lý, Trưởng phòng đôn đốc chỉ đạo hỗ trợ và cùng tham gia giải quyết, Phó Giám đốc phụ trách hoạt động Bảo lãnh tín dụng đưa ra đường lối, chủ trương và cùng tham gia xử lý trong từng hồ sơ, vụ việc cụ thể.

     Tin vui trong năm 2023, ngay khi kết thúc kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Quỹ đã phối hợp với Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội bán đấu giá thành công tài sản thi hành án của Công ty TNHH Hải Nam với số tiền thu được là hơn 3,7 tỷ đồng (nợ gốc nợ vay bắt buộc hiện nay của Công ty Hải Nam còn nợ Quỹ là gần 3,1 tỷ đồng và lãi phát sinh). Với số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản trên cùng với quá trình thu hồi nợ trước đây, Quỹ đã thu hồi được đầy đủ số tiền nợ gốc nợ vay bắt buộc mà Quỹ đã trả nợ thay cho Công ty TNHH Hải Nam và thu được một phần tiền lãi, bảo toàn được nguồn vốn của Quỹ trong việc trả nợ thay cho Công ty TNHH Hải Nam.

     Để đạt được “trái ngọt” ngày hôm nay là cả quá trình giải quyết kéo dài gần 15 năm (công ty Hải Nam phát sinh nợ vay bắt buộc bắt đầu từ năm 2008) với nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể giải quyết được. Từ những khó khăn do khách hàng nhiều lúc không hợp tác, không làm việc; trong nội bộ cơ quan còn bất đồng trong cách giải quyết xử lý thu hồi nợ do nhận thức khác nhau về pháp luật, đùn đẩy trách nhiệm, đến những vướng mắc về quy định… Nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với quan điểm duy nhất và xuyên suốt là phải thu hồi được nợ và bảo toàn vốn đã mang lại kết quả tích cực. Dự kiến trong thời gian tới Cục thi hành án dân sự Hà Nội sẽ tổ chức giao tài sản cho người trúng đấu giá và chuyển trả số tiền được thi hành án cho Quỹ, giảm dư nợ vay bắt buộc xuống chỉ còn 6 tỷ đồng, kế hoạch thu hồi nợ vay bắt buộc được hoàn thành ngay từ những ngày đầu năm.

 
Hình ảnh một buổi làm việc về xử lý tài sản bảo đảm  

     Chặng đường dài thu hồi nợ vay bắt buộc với số tiền thu được đã đạt 94% trên tổng số tiền đã trả nợ thay với những bộ hồ sơ khó khăn, phức tạp và kéo dài nhất đã được giải quyết. Đồng thời quyết tâm vượt kế hoạch năm 2023 đã đề ra, phòng Bảo lãnh tín dụng tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ vay bắt buộc còn lại và theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất kinh doanh của các khách hàng đang có dư nợ bảo lãnh tín dụng để hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh nợ vay bắt buộc mới.

     Tổng hợp quá trình giải quyết thu hồi nợ vay bắt buộc đến nay, bài học được rút ra như sau:

     Thứ nhất: Trong quá trình thu hồi nợ vay bắt buộc, phải thật mềm mỏng, linh hoạt nhưng kiên quyết để có được sự phối hợp tốt nhất từ chủ doanh nghiệp và những người có liên quan (như cổ đông công ty, bên có tài sản thế chấp…). Việc này sẽ rút ngắn được quá trình xử lý và trong quá trình giải quyết không gặp phải sự chống đối, cản trở, khiếu nại khiếu kiện làm kéo dài thời gian. Bằng nhiều hình thức phải xây dựng và nắm bắt được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời xử lý (đặc biệt là các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm, tình hình tài chính…).

     Thứ hai: Phối hợp và nâng cao mối quan hệ với cơ quan tư pháp (tòa án, viện kiểm sát), cơ quan xử lý tài sản (thi hành án) vì đây là những đơn vị trực tiếp tham gia vào quá trình xử lý trong trường hợp có đơn khởi kiện, đồng thời xây dựng được mối quan hệ hợp tác với các cơ quan nhà nước có liên quan, địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để kịp thời nắm bắt, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

     Thứ ba: Nắm chắc các quy định của pháp luật trong việc tố tụng, thi hành án… để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Quỹ.

     Con đường tuy có nhiều khó khăn trở ngại, nhưng bằng sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ Quỹ, việc thu hồi các khoản nợ vay bắt buộc đã gần đi tới đích. Một mùa xuân mới lại về mang theo những tín hiệu tích cực, hứa hẹn một năm mới với nhiều khởi sắc hơn…

                                                            T/g: Trần Cao Chính – Phòng Bảo lãnh tín dụng