Thông báo:

Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc: Hướng tới sự phồn thịnh và phát triển toàn diện

Ngày đăng: 23/03/2021, số lượt xem: 159
Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc (Quỹ ĐTPT&BLTD) là tổ chức tài chính của tỉnh Vĩnh Phúc, trực thuộc UBND tỉnh, được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những năm qua, Quỹ đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những kênh hỗ trợ tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho các dự án ưu tiên phát triển của địa phương, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Xung quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Văn Đức Sơn, Giám đốc Quỹ ĐTPT&BLTD.

     

     Được giao nhiệm vụ tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, Quỹ đã sử dụng nguồn vốn này như thế nào?

     Quỹ ĐTPT&BLTD hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện huy động vốn, cho vay, đầu tư, bảo lãnh, ủy thác và nhận ủy thác theo quy định của pháp luật. Đối tượng cho vay tại Quỹ là các dự án đầu tư thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành theo quy định như: Hạ tầng cấp điện, hệ thống cấp nước, giáo dục, y tế, giao thông, đô thị, chung cư và các lĩnh vực phát triển kinh tế,... Dư nợ cho vay của Quỹ bình quân 5 năm (2013-2017) trên 51 tỷ đồng. Bên cạnh công tác cho vay, từ năm 2017 đến nay, Quỹ ĐTPT&BLTD thực hiện chức năng đầu tư tài chính, đầu tư phát triển đã phát huy được vai trò “vốn mồi” để kêu gọi huy động vốn từ các tổ chức, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức như: Hợp tác đầu tư cùng thực hiện dự án; huy động vốn cho vay và đang xây dựng phương án góp vốn thành lập doanh nghiệp,…

     Một số dự án Quỹ tập trung cho vay đầu tư và đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân trên địa bàn như: Dự án xây dựng Nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng Trường mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Yên; dự án đầu tư hệ thống nhà máy nước sạch huyện Sông Lô; dự án đầu tư hệ thống phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt,…

 Trường Mầm non tư thục Sao Mai Vĩnh Yên được hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo từ nguồn vốn vay của Quỹ

       Năm 2020 vừa qua mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức song với sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng quản lý, sự vào cuộc tích cực của Ban Giám đốc và nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ nhân viên, Quỹ ĐTPT&BLTD vẫn duy trì hoạt động ổn định, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao với tổng số dư nợ hoạt động bảo lãnh tín dụng đạt trên 34,5 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt gần 153 tỷ đồng, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2019. Số dư cho vay đầu tư bình quân năm 2020 đạt 111 tỷ đồng, đạt 130% so với kế hoạch. Thu lãi từ hoạt động cho vay đầu tư đạt trên 7 tỷ đồng; nợ vay quá hạn giảm mạnh từ 9% xuống còn 3,2%.

     Quỹ ĐTPT&BLTD đã có những giải pháp gì để huy động các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại Vĩnh Phúc ngày càng lớn, thưa ông?

     Tại Vĩnh Phúc, nguồn vốn vay nước ngoài được tỉnh tập trung đầu tư trực tiếp vào dự án trọng tâm, trọng điểm và giao cho Ban Quản lý dự án thực hiện. Do vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc, thời gian qua Quỹ ĐTPT&BLTD tập trung huy động, khai thác nguồn vốn trong nước bằng các giải pháp rà soát hệ thống văn bản để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình thủ tục thực hiện nhiệm vụ huy động vốn. Tìm kiếm nguồn huy động vốn của các tổ chức, cá nhân phù hợp với hoạt động đầu tư của Quỹ để tiếp cận, đề xuất phương thức hợp tác; xây dựng cơ chế khuyến khích, giao chỉ tiêu cho cán bộ, nhân viên giới thiệu khách hàng và huy động vốn. Đồng thời, tích cực thương thảo, đàm phán và kêu gọi các nhà đầu tư dự án hợp tác tạo ra sản phẩm trực tiếp đảm bảo thu hồi vốn đúng kế hoạch, triển khai chức năng huy động vốn…

     Trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, Quỹ ĐTPT&BLTD tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ra sao?

     Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đang vay vốn tại Quỹ ĐTPT&BLTD, đặc biệt là các cơ sở giáo dục (trường mầm non), lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, sản xuất. Trước tình hình đó, bám sát chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp đang vay vốn tại Quỹ vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, Quỹ đã thành lập 2 đoàn công tác hướng về cơ sở tìm kiếm khách hàng và giám sát, theo dõi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn. Tổ chức các hội nghị xúc tiến, lắng nghe, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh, Hội đồng quản lý Quỹ vận dụng chính sách hỗ trợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

     Với đặc thù hoạt động của một tổ chức tài chính địa phương nên việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ và đúng quy trình. Đến nay, Quỹ ĐTPT&BLTD đã 3 lần rà soát thực hiện giãn nợ, cơ cấu lại nợ và gia hạn nợ gốc cho 11 lượt khách hàng với tổng số vốn trên 15 tỷ đồng, giảm lãi cho 01 đơn vị (Trường mầm non tư thục Sao Mai), tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

     Mục tiêu Quỹ ĐTPT&BLTD đặt ra trong giai đoạn tới là gì, thưa ông?

     Với kinh nghiệm và tiềm lực về vốn, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, Quỹ ĐTPT&BLTD đặt mục tiêu tham gia trực tiếp đầu tư hạ tầng từ 1 đến 3 dự án cụm công nghiệp, làng nghề, hạ tầng kinh tế xã hội; triển khai thực hiện trên 20% vốn chủ sở hữu đầu tư trực tiếp; huy động góp vốn của tổ chức, cá nhân tham gia tối thiểu là 5 tỷ đồng/1 dự án; tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư bình quân hàng năm đạt trên 80% số vốn dành cho hoạt động vay; phấn đấu vốn điều lệ đạt trên 600 tỷ đồng; tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm từ 10% trở lên,… từng bước xây dựng Quỹ thành một tổ chức tài chính vững mạnh, chuyên nghiệp, tin cậy theo hướng “Phồn thịnh và phát triển toàn diện”.

     Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới Quỹ ĐTPT&BLTD tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cải tiến phương pháp điều hành; nâng cao hiệu quả huy động vốn, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ điều hành về cho vay đầu tư, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp, quản trị rủi ro. Mở rộng hoạt động cho vay đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực cần phát triển theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động Quỹ để các doanh nghiệp, tổ chức biết đến và chủ động liên hệ. Đơn giản hóa thủ tục đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng; quyết liệt thu hồi nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng,… theo phương châm “Sự phát triển của khách hàng là sự tồn tại và phát triển phồn thịnh của Quỹ”.

                                                                                         Trân trọng cảm ơn ông!

                                                                                     Nguồn: Vietnam Business Forum